(ANTV) - Với vai trò nòng cốt, lực lượng công an xã một mặt làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục đối tượng sử dụng ma túy trên địa bàn đi cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện bắt buộc, mặt khác tăng cường quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện. Từ đó, hướng đến việc giảm dần số người nghiện, số đối tượng sử dụng ma túy trên địa bàn, góp phần hạn chế phát sinh các loại tội phạm. Ghi nhận tại xã Tiền Phong, một trong những xã nghèo của huyện biên giới Quế Phong, tỉnh Nghệ An.
Nhà có 3 chị em. Hai em trai còn rất trẻ, một sinh năm 1992, một sinh năm 1995 nhưng đều vướng vào ma túy. Chỉ còn lại chị Vi Thị Hoài chăm sóc mẹ già. Nắm tình hình, công an xã Tiền Phong nhiều lần xuống vận động đưa 2 em của chị Hoài đi cai nghiện
Gia đình chị Hoài chỉ là một trong rất nhiều trường hợp có người nghiện ma túy tại xã Tiền Phong khiến kinh tế gia đình càng thêm kiệt quệ. Là xã nghèo của huyện biên giới Quế Phong với tỷ lệ người nghiện cao.
Thực hiện Đề án xã biên giới sạch ma túy của công an tỉnh Nghệ An. Song song với công tác đấu tranh mạnh với tội phạm ma túy…thời gian qua, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, công an xã Tiền Phong đã đưa được 23 người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc.
Cùng với đó, qua việc xây dựng mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người sau cai tại cộng đồng” của công an xã Tiền Phong, nhiều người sau khi cai nghiện thành công như anh Vi Văn Tiến trở về tái hòa nhập cộng đồng…đã được giúp đỡ, có công việc ổn định, yên tâm phát triển kinh tế, không tái nghiện.
Làm tốt công tác cai nghiện, quản lý người nghiện sau cai sẽ góp phần “giảm cầu” về ma túy…Đảm bảo môi trường “sạch ma tuý” ở từng bản làng, tiến tới xã sạch ma túy, huyện sạch ma túy…Để người dân yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế.