(ANTV) - Năm quốc gia thành viên EU có chung biên giới với Ukraine là Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria tiếp tục kêu gọi gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Kiev, do lo ngại việc phá giá thị trường và ảnh hưởng đến nông dân trong nước. Bộ trưởng Nông nghiệp Hungary Istvan Nagy đã khẳng định lập trường này trong 1 tuyên bố mới đây.
Hồi tháng 4, năm quốc gia EU đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu đối với hàng chục loại mặt hàng thực phẩm của Ukraine, sau khi nông dân trong nước phản đối tình trạng ngũ cốc nội địa bị mất giá.
Brussels đã phản ứng bằng cách áp đặt "các hạn chế tạm thời" đối với việc nhập khẩu lúa mì, ngô, hạt cải dầu và dầu hướng dương của Ukraine cho 5 quốc gia cho đến ngày 15/9.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp Hungary Istvan Nagy, lệnh cấm ngũ cốc Ukraine là biện pháp cần thiết để bảo vệ những nông dân EU phải chịu thiệt hại, và Ủy ban châu Âu nên gia hạn lệnh cấm ngay cả sau ngày 15/9.
Ông Nagy cam kết sẽ tiếp tục làm việc để tìm ra giải pháp chung của châu Âu, đồng thời kêu gọi Kiev không coi lệnh cấm là một hành động chống lại Ukraine.
Mỹ chú trọng giải cứu công dân bị Iran bắt thay vì thỏa thuận hạt nhân
Liên quan đến mối quan hệ giữa Mỹ và Iran, Người Phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby mới đây cho biết, Washington hiện đang tập trung vào các cuộc đàm phán với Tehran về việc trao trả các công dân Mỹ bị Iran giam giữ, trong khi việc thảo luận về một thỏa thuận hạt nhân mới của các cường quốc với quốc gia Trung Đông này không nằm trong chương trình nghị sự của Nhà Trắng.
Trước đó cùng ngày, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cũng khẳng định với kênh truyền hình CBS News rằng Washington "không tiến gần đến bất kỳ hình thức thỏa thuận nào" liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, đồng thời nói rằng trọng tâm chính của Washington trong quan hệ với Tehran là tìm cách trả tự do cho công dân Mỹ bị giam giữ ở Iran.
Tháng Sáu vừa qua, một số cơ quan truyền thông Mỹ đưa tin nước này và Iran đã tổ chức các cuộc đàm phán gián tiếp ở Oman vào tháng Năm để thảo luận về chương trình hạt nhân của Tehran và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trong bối cảnh các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran, còn gọi là Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA), đang bị đóng băng.
Hôm 11/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller đã gọi các báo cáo về việc Washington gián tiếp đàm phán một số hình thức thỏa thuận với Iran là "sai hoặc hoàn toàn gây hiểu lầm."