(ANTV) - Giáo dục và Đào tạo là lĩnh vực đặc biệt, có vai trò quyết định đến tiến trình phát triển lâu dài của đất nước, không những thế, nó còn tác động đến mọi gia đình, mọi con người trong xã hội. Do đó, đây là lĩnh vực các thế lực thường xuyên tìm cách tác động và xuyên tạc nhằm làm suy giảm niềm tin của quần chúng vào sự lãnh đạo của Đảng, bộ máy Chính quyền của Nhà nước, dần dần đi đến thay đổi đường lối chính trị theo những mưu đồ của họ.
Luận điệu xuyên tạc trước thềm năm học mới
Trước thềm năm học mới, là thời điểm các đối tượng chống phá Việt Nam thường tìm kiếm các vấn đề để tác động và xuyên tạc về nền giáo dục đào tạo của nước ta. Mục tiêu mà các đối tượng hướng đến là làm suy giảm uy tín của nền giáo dục; phủ nhận thành tựu giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng bất mãn, chống đối với chính quyền. Gần đây, một tờ báo uy tín ở Anh có bài viết về hệ thống giáo dục của Việt Nam, đây là bài viết đánh giá cao và ghi nhận những kết quả trong công tác giáo dục đào tạo của Việt Nam, tuy nhiên các thế lực thù địch vẫn dùng những lời lẽ bịa đặt trắng trợn, xuyên tạc về nền giáo dục của Việt Nam trên không gian mạng. Điều này thể hiện bản chất cố hữu của những đối tượng thù địch, phản động đó là: mọi điều tốt đẹp bằng mọi cách chúng đều xuyên tạc và hướng lái dư luận đến những cái nhìn, cách suy nghĩ tiêu cực.
Tháng 7/2023, tờ Thời báo kinh tế - The Economist của Anh có bài viết đánh giá cao hệ thống giáo dục Việt Nam, đề cao giá trị của giáo dục trong nước và đáng giá cao năng lực giáo viên. Thế nhưng một số tài khoản mạng xã hội của trang t.b gần đây có các video clip mang tiêu đề xuyên tạc nội dung của bài viết này; còn trang TTV đã phát trực tiếp gần 2 tiếng để nói về chủ đề “GDVN tốt nhất thế giới”; trang T.G đăng tải cuộc trao đổi với chủ đề: “Giáo dục VN, học sinh đánh nhau hội đồng? - Lương giáo viên ở Việt Nam”;…
Điểm chung của các bài viết và video này một là phủ nhận hoàn toàn những thành tựu đạt được của nền giáo dục Việt Nam; hai là khoét sâu vào một số biểu hiện đơn lẻ còn tồn tại của nền giáo dục rồi quy đó là bản chất của nền giáo dục Việt Nam; ba là bịa đặt, xuyên tạc về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trên lĩnh vực giáo dục, rồi tiếp đến bôi nhọ nền giáo dục XHCN, bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam.
Quốc tế ghi nhận những thành tựu của Giáo dục Việt Nam
Không phải ngẫu nhiên mà một tờ báo uy tín của Anh như Thời báo kinh tế - The Economist có bài viết khen ngợi hệ thống giáo dục Việt Nam. Mà bằng sự am hiểu sâu sắc về quá trình phát triển của giáo dục Việt Nam nói riêng và kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung, đồng thời có sự so sánh trong tương quan giữa các nước trong khu vực, cũng như các nước đang phát triển khác, tác giả bài viết đã có những phân tích, nhận định khách quan, dựa trên những số liệu cụ thể.
Bài báo chỉ ra rằng, mặc dù ghi nhận tăng trưởng kinh tế nhanh trong những năm gần đây, GDP bình quân đầu người của Việt Nam ở mức 3.760 USD, vẫn thấp hơn so với các nước cùng khu vực như Malaysia và Thái Lan, nhưng chất lượng giáo dục của Việt Nam ngày càng tốt đẹp hơn.
Để đưa đến nhận định học sinh Việt Nam được học trong một hệ thống giáo dục tốt, bài báo dẫn chứng các thành tích xuất sắc của học sinh Việt Nam trong các cuộc thi quốc tế. Cùng với các kết quả nghiên cứu của các tổ chức uy tín quốc tế như: Dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới; nghiên cứu tại Trường Kinh tế Stockholm; nghiên cứu tại Trung tâm Phát triển toàn cầu,..
Như vậy, từ những dữ liệu khách quan, được nghiên cứu bài bản từ các đơn vị, tổ chức uy tín trên thế giới, bài báo có thêm cơ sở dữ liệu để phân tích, nhận định về nền giáo dục Việt Nam. Điều này không ai có thể bịa đặt hoặc can thiệp được. Chỉ có những đối tượng thù địch, luôn hằn học trước những thành tựu của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực mới đưa ra những phát ngôn xuyên tạc, bịa đặt, không có căn cứ.
Các đối tượng này cố tình không nhìn vào thực tế rằng, sẽ không tương đồng nếu so sánh nền giáo dục Việt Nam với các nước phát triển, hiện đại. Việt Nam là nước đang phát triển, có thu nhập trung bình nhưng so với nhiều nước trong khu vực, Việt Nam vẫn có tỷ lệ đi học rất cao, thậm chí cao hơn cả những nước có thu nhập nhiều hơn như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, đồng thời hệ thống giáo dục Việt Nam luôn được chú trọng, chất lượng giáo dục cũng đang được nâng cao.
Những nỗ lực phát triển giáo dục của Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Trong các kỳ thi Olympic quốc tế các thí sinh của Việt Nam đều đoạt giải thưởng cao.
Cuối năm 2021, Việt Nam đã trúng cử thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2021-2025.
Gần đây nhất, các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên các bảng xếp hạng uy tín quốc tế.
Trong kết quả xếp hạng các nhà khoa học thế giới có thành tích xuất sắc về công bố khoa học theo 24 lĩnh vực, đã có tên 10 nhà khoa học VN trong bảng xếp hạng trong 6 lĩnh vực. Điều này phản ánh sự tiến bộ, nỗ lực và hội nhập không ngừng của các nhà khoa học Việt Nam đã được ghi nhận trên bản đồ khoa học của thế giới.
Việt Nam với chủ trương Giáo dục là quốc sách hàng đầu
Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam, giáo dục luôn được xác định là Quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Dĩ nhiên, chúng ta không phủ nhận giáo dục - đào tạo vẫn có những mặt chưa đáp ứng được yêu cầu, và vẫn đang có những điều chỉnh để phù hợp hơn. Nhưng không thể dựa vào đó mà các đối tượng chống phá có thể xuyên tạc, phủ nhận sạch trơn bản chất của nền giáo dục Việt Nam.
Với những quyết tâm và nỗ lực thúc đẩy giáo dục, nước ta đã hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000; phổ cập giáo dục THCS vào năm 2010; giáo dục mầm non đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi và giáo dục phổ thông có chuyển biến tốt. Đối với những nhóm yếu thế trong xã hội, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách, Việt Nam đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương để bảo đảm việc tiếp cận giáo dục, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Năm học mới này, cô và trò tại điểm trường Khẩu Cồ ở Lào Cai có một niềm vui mới, khi bằng sự giúp đỡ của lực lượng Công an cùng với bà con nhân dân, đường dây dẫn nước từ đầu nguồn đến nhà trường đã được hoàn thành, phục vụ tốt cho việc sinh hoạt và học tập ở đây.
Còn tại Đà Nẵng, trong năm học 2023-2024 thành phố này sẽ chi hơn 408 tỷ đồng để hỗ trợ 100% học phí đối với trẻ mầm non và học sinh các cấp học công lập và ngoài công lập theo mức đóng trường công. Chính sách ý nghĩa và thiết thực này đã mang đến niềm vui trước ngày khai giảng.
Hai năm qua, để giảm bớt ảnh hưởng từ dịch Covid-19, không chỉ Đà Nẵng mà nhiều địa phương cũng hỗ trợ 100% học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông theo quy định như: Hải Phòng, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu; các tỉnh, thành khác hầu hết hỗ trợ ở mức 50%. Còn các cơ sở giáo dục cũng cố gắng chuẩn bị những điều kiện tốt nhất cho các em học sinh trước ngày khai giảng.
Có thể thấy, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự điều hành linh động, sáng tạo của Nhà nước, cùng sự chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân, những năm qua ngành Giáo dục nước ta đã đạt được thành tựu về nhiều mặt, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và đổi mới đất nước. Những thành tựu đáng ghi nhận đó đã chứng minh những luận điệu của các thế lực, đối tượng thù địch, phản động về nền giáo dục nước ta đó là sự xuyên tạc, bịa đặt, lỗi thời, lạc lõng và vô nghĩa.