(ANTV) - Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 3 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, chiều 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2045.
Tờ trình của Chính phủ cho biết, nước đã trở thành tài nguyên chiến lược thứ hai sau tài nguyên con người nhưng đang suy thoái trầm trọng. Đồng thời, an ninh nguồn nước là loại hình an ninh phi truyền thống, liên quan đến các yếu tố tự nhiên, kinh tế - xã hội từ cả bên trong và bên ngoài lãnh thổ, tác động đến ổn định, phát triển bền vững của quốc gia.Vì vậy, việc xây dựng Đề án Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước nhằm đưa ra định hướng chiến lược, giải pháp căn cơ trước mắt và lâu dài là hết sức cần thiết và cấp bách.
Tờ trình của Chính phủ cũng đưa ra tổng nhu cầu kinh phí thực hiện đề án trong giai đoạn 2021-2030, dự kiến khoảng 610.000 tỷ đồng. Trong đó: ngân sách Trung ương 200.000 tỷ đồng; ngân sách địa phương và xã hội hóa 410.000 tỷ đồng.
Thảo luận tại phiên họp, nhiều ý kiến tán thành với sự cần thiết, cấp bách xây dựng Đề án. Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho rằng, an ninh nước là một loại an ninh phi truyền thống, có mối quan hệ mật thiết với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia trong tình hình mới. Thiếu tướng Lê Tấn Tới cũng đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung thông tin, đánh giá toàn diện hơn về các vấn đề liên quan, bổ sung giải pháp ngoại giao, hợp tác quốc tế trong việc phối hợp quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước và khi có tranh chấp, xung đột nguồn nước xuyên biên giới thì cần giải quyết, bảo vệ công trình đập, hồ chứa nước, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi phá hoại chất lượng nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước.
Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cũng đề nghị, cần có giải pháp để chủ động nguồn nước nội sinh, bổ sung các giải pháp bảo vệ nguồn nước, cả nước ngầm và nước mặt, giải pháp quy hoạch và xử lý nước thải để tái sử dụng, không chỉ phục vụ mục tiêu sử dụng nước mà còn gắn với mục tiêu bảo vệ môi trường...Trước đó, trong sáng 16/9, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng đã thảo luận và cho ý kiến về dự án Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.