(ANTV) - “Hà Nội phải quyết tâm xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung” - đây là chỉ đạo của PhóThủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khi làm việc với UBND TP Hà Nội về việc triển khai thí điểm 2 nhóm thủ tục hành chính liên thông và số hóa dữ liệu đất đai, nhà ở, thực hiện an sinh xã hội tại Hà Nội. Thông tin được đăng tải trên báo Kinh tế và Đô thị.
Hà Nội: Phải quyết tâm xây dựng, kết nối cơ sở dữ liệu dùng chung
Theo Phó Thủ tướng, muốn cung cấp dịch vụ công trực tuyến phải thay đổi phương thức làm việc, bắt đầu thực hiện từ dịch vụ ít người dùng nhất để khi làm các dịch vụ công khác phức tạp hơn sẽ không bị lỗi. Trong đó, việc thu thập dữ liệu cần phải thực hiện quyết liệt. Về dữ liệu con người, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, phải hướng tới làm rõ từ nhóm máu, quá trình học tập, bệnh tật, tài sản sau khi qua đời...
Về dữ liệu đất đai, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là nội dung khá phức tạp. Nhóm về lao động tuy dễ hơn nhưng cần tập trung đối tượng bảo trợ, người có công, những đối tượng chúng ta chi tiền hỗ trợ Covid-19. Về nhóm y tế, cần chỉ đạo thật khẩn trương tiến tới bệnh án điện tử, đơn thuốc điện tử.
Cảnh báo nạn “tín dụng đen” giả mạo các công ty tài chính được cấp phép
Báo CAND Oline đăng tải bài viết có nhan đề “Cảnh báo nạn “tín dụng đen” giả mạo các công ty tài chính được cấp phép”. Nội dung bài viết đề cập đến việc hiện nay tại Việt Nam chỉ có 16 công ty tài chính tiêu dùng được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động tuy nhiên giá trị tích cực mà các đơn vị này hướng đến đang bị “pha loãng” bởi sự xâm lấn của hàng trăm tổ chức tín dụng phi chính thức, hay còn gọi là “tín dụng đen”.
Thậm chí, việc bùng nổ của các app cho vay tiêu dùng giả danh các công ty tài chính khiến cho góc nhìn của nhiều người đối với công ty tài chính được cấp phép trở nên méo mó. Trong động thái mới nhất, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, bất kỳ tổ chức nào không được cấp phép mà sử dụng cụm từ “công ty tài chính” hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên, chức danh hoặc trong phần phụ thêm của tên, trong giấy tờ giao dịch, hoặc quảng cáo khiến khách hàng có thể nhầm lẫn đều vi phạm Luật Các tổ chức tín dụng.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu kiểm soát chặt nguồn thực phẩm vào trường học
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường chỉ đạo công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục. Thông tin được đăng tải trên báo điện tử Vietnamnet.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho hay, thời gian qua, tại một số cơ sở, vẫn xảy ra tình trạng không bảo đảm an toàn thực phẩm khi tổ chức bữa ăn học đường cho trẻ em và học sinh, sinh viên, gây hậu quả nghiêm trọng. Để bảo đảm sức khỏe, tính mạng cho người học khi tổ chức bữa ăn học đường, Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu kiểm soát chặt nguồn gốc thực phẩm và các khâu: chế biến, bảo quản, vận chuyển thực phẩm trong các cơ sở giáo dục; tuân thủ quy trình giao nhận, kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thực phẩm theo đúng quy định. Các cơ sở không đảm bảo đủ quy định về an toàn thực phẩm, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện thì không được cung cấp thực phẩm hoặc suất ăn cho các trường học.
Kỳ vọng khơi thông ách tắc với thị trường bất động sản
Báo Lao Động số ra ngày hôm nay đăng tải bài viết có nhan đề “Kỳ vọng khơi thông ách tắc với thị trường bất động sản”. Với quyền hạn rất lớn được trao, các chuyên gia cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định thành lập Tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương và doanh nghiệp sẽ giúp thị trường bớt khó khăn, vực dậy các doanh nghiệp bất động sản.
Qua nhiều giai đoạn khủng hoảng thị trường bất động sản như những năm 2008, 2013, Chính phủ cũng đã có những chính sách can thiệp linh hoạt để kích hoạt lại thị trường. Gần đây, gói hỗ trợ kích cầu sau đại dịch với 350.000 tỉ đồng đã tạo ra nhiều hiệu quả trong việc xử lý khủng hoảng. Do vậy, việc quyết định thành lập Tổ công tác hỗ trợ thị trường thời điểm hiện tại sẽ có thể mang lại những kết quả tích cực.