(ANTV) - Tiếp tục ngày làm việc thứ 4 tại Kỳ họp bất thường thứ nhất, Quốc hội Khóa 15, trong ngày làm việc hôm nay, khi thảo luận xung quanh các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, nhiều đại biểu nhấn mạnh, các chính sách này cần được thực hiện bài bản, đặc biệt cần có trọng tâm, trọng điểm để phát huy hiệu quả một cách tốt nhất.
Theo dự thảo, chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội có tổng quy mô 291 nghìn tỷ đồng. Chính phủ đề xuất tăng bội chi ngân sách nhà nước để có nguồn thực hiện chương trình với tổng số tiền là 240 nghìn tỷ đồng trong 2 năm 2022-2023. Trong đó, năm 2022, khoảng 102,8 nghìn tỷ đồng, tăng tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước lên 5,08% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Cho phép nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước bình quân giai đoạn 2021-2025 có thể cao hơn 25%; tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương có thể cao hơn kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia Quốc hội đã phê duyệt; kỳ hạn phát hành trái phiếu Chính phủ bình quân thấp hơn 9 năm.
Đồng thời, chấp thuận việc ngân sách nhà nước có thể vay các nguồn tài chính hợp pháp khác phù hợp và hoàn trả khi có nguồn trong kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước hằng năm hoặc các nguồn khác.
Theo bà Vũ Thị Lưu Mai, ĐBQH TP Hà Nội: Cần bổ sung căn cứ nguyên tắc, tiêu chí cụ thể để phân bổ đầu tư nguồn lực tương ứng với từng gói chính sách. Về danh mục dự án, đề nghị tập trung vào 2 lĩnh vực cụ thể, gồm những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nhất do đại dịch và những ngành nghề có ý nghĩa thúc đẩy tăng trưởng quan trọng nhất.
Bà Nguyễn Thị Thủy, ĐBQH tỉnh Bắc Kạn: Để hồi phục và phát triển, một trong những vấn đề quan trọng nhất đó là lao động, vì thế, cần Tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ và đề nghị áp dụng với cả lao động chính thức và phi chính thức; dành khoản kinh phí thỏa đáng để xây dựng nhà ở cho công nhân và dành khoản kinh phí phù hợp để hỗ trợ tiền xét nghiệm, đi lại, hỗ trợ tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc.
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến đồng tình với phương án huy động vốn thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ chương trình, tuy nhiên, cần xác định rõ hơn số vốn vay trong nước và số vốn vay nước ngoài.
Nên tập trung ưu tiên huy động vốn trong nước là chủ yếu, vốn vay nước ngoài cũng quan trọng nhưng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng về thời gian vay, ân hạn trả nợ, lãi suất không phải là hấp dẫn, hơn nữa cần ràng buộc nhiều điều kiện khác. Với gói hỗ trợ gần 40 nghìn tỷ đồng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh rất quan trọng để hỗ trợ cho các đối tượng phục hồi sản xuất, cần hỗ trợ trọng tâm trọng điểm vào các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch.
Ông Mai Văn Hải, ĐBQH tỉnh Thanh Hóa: "Các ngân hàng thương mại cần cải cách thủ tục hành chính để doanh nghiệp, người dân dễ tiếp cận với chính sách, đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn cho vay, tránh tình trạng vay không dùng vào mục đích phục hồi sản xuất mà lại mang đi đầu tư vào tài chính, bất động sản và lĩnh vực rủi ro khác sẽ gây suy giảm nền kinh tế. Tôi đề nghị cần kiểm soát chặt chẽ vấn đề này."
Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, nhiều ý kiến nhấn mạnh, bên cạnh việc triển khai các chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, cần quy định một cách cụ thể hơn các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực trong nội dung của chương trình.