(ANTV) - Giá xăng tăng thì cũng tác động trực tiếp đến hoạt động vận tải, tăng chi phí sản xuất các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khiến cuộc sống của người dân cũng thêm phần khó khăn. Họ chia sẻ như thế nào?
Từ 21/4 đến nay, giá xăng đã tăng lần thứ 7 liên tiếp. Nếu tính từ đầu năm đến nay, thì giá xăng đã có 16 kỳ điều chỉnh với 13 lần tăng giá, 3 lần giảm. Cư dân mạng ví von, giá xăng khi tăng thì như cầu thang máy, còn khi giảm thì như đi thang bộ. Phải nói rằng, sau những pha thiết lập đỉnh giá xăng dầu, đời sống của người dân cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Xăng dầu vốn là chi phí đầu vào của hầu hết ngành sản xuất hàng hoá và dịch vụ, nên khi xăng tăng có tác động rất lớn đến mặt bằng giá cả thị trường.
Giá cả các loại thực phẩm đã leo thang, tăng từ 5-10% do giá nhập, chi phí vận chuyển, đánh bắt thuỷ hải sản tăng cao.
Và chủ trương thắt lưng, buộc bụng đang được đa số cộng đồng mạng lựa chọn, để tránh âm tiền vào cuối tháng, khi mà nhiều chi phí phải chi tiêu.
Không chỉ người dân, mà các doanh nghiệp vận tải cũng như đang ngồi trên đống lửa. Lượng khách đi xe chỉ đạt 40-50% so với trước dịch Covid-19.
Trong khi giá xăng, dầu vẫn giữ xu hướng tăng khiến nhiều doanh nghiệp vận tải phải tái cơ cấu, nhiều phương tiện phải nằm bãi. Tăng giá cước thì giữ được lao động, nhưng tăng giá nhiều thì lại không có hành khách, nên đang trong thế tiến thoái lưỡng nan.
Theo các chuyên gia kinh tế, mỗi lít xăng dầu hiện nay đang phải chịu 38% thuế và các loại phí. Do đó, giảm thuế, phí được coi là giải pháp quan trọng. Trong đó, giảm mức thuế bảo vệ môi trường là việc cần làm ngay, vì có tính khả thi cao.