(ANTV) - Từ đầu năm đến nay, giá phân bón và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã liên tục tăng, dự báo giá sẽ tăng thêm trong những ngày tới. Hiện giá thức ăn chăn nuôi như đậu tương, ngô tăng khoảng 20%, cám mì tăng 32,8%, phân bón tăng 30%. Đây là lần thứ 10 liên tiếp từ cuối năm 2020, các sản phẩm này tăng giá, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động chăn nuôi của người nông dân.
Vụ Đông Xuân năm nay, gia đình ông Tống Văn Tú ở Hải Dương cấy hơn 4 sào lúa, thời điểm này đang bước vào giai đoạn chăm bón đợt 1. Khi các cửa hàng vật tư nông nghiệp đều tăng giá bán các loại phân bón, khiến ông Tú không khỏi băn khoăn.
Ông Tống Văn Tú, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương cho biết: Giá các loại phân bón gì cũng tăng hết cả. Có loại tăng đến 40% . Chúng tôi thấy khó khăn quá, chi phí đầu vào nó quá cao như này thì nếu kéo dài chúng tôi chịu không nổi.
Trang trại của bà Trương Thị Trang đang chăn nuôi 16.000 con gà đẻ trứng. Từ đầu năm đến nay, giá mỗi bao cám cho gà đẻ tăng tới 75.000 đồng một bao 25kg. Với mức tăng này, trang trại gà của gia đình bà phải đội thêm chi phí mỗi tháng 150 triệu đồng tiền thức ăn. Nếu giá cám tiếp tục tăng thì sẽ không có lãi.
Bà Trương Thị Trang, xã Minh Hòa, tỉnh Hải Dương cho biết thêm: Mỗi bao cám hỗn hợp cho heo thịt, trọng lượng 25kg có giá 250.000 đồng/bao, hiện nay đã tăng lên 325.000 đồng/bao. Với giá thức ăn hiện nay, chi phí sẽ đội lên hơn 1 triệu đồng/tạ, cộng với các khoản giống, thuốc thú y nên người nuôi bị lỗ vốn.
Được biết, giá phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng do nguyên nhân chủ yếu là ảnh hưởng của thời tiết bất lợi từ các khu vực trồng chính tại các nước Nam Mỹ. Đồng thời cuộc khủng hoảng chiến sự thế giới đang tác động lớn đến giá ngô và lúa mỳ trên thị trường thế giới và cả Việt Nam. Chính vì thế mà nhiều nông dân đang gặp khó khăn chồng chất như hiện nay.
Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế cho rằng: Phần lớn các doanh nghiệp phải nhập khẩu tới trên 90% nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi thành phẩm, nên giá nguyên liệu trên thế giới tăng đã tác động trực tiếp tới giá thức ăn chăn nuôi trong nước. Cùng với đó, giá các loại phân bón, vật tư nông nghiệp khác như kháng sinh cho gia súc, gia cầm, chế phẩm sinh học đều tăng giá gây khó khăn cho ngành chăn nuôi
Giá thức ăn chăn nuôi, phân bón tăng quá cao đã ăn sâu vào phần lãi của người chăn nuôi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn cũng đang bị giảm lợi nhuận. Chính vì vậy, dẫn tới việc lượng tiêu thụ thức ăn chăn nuôi chỉ bằng 50% so với thời điểm cùng kỳ năm 2021. Tìm cách ứng phó để vượt qua giai đoạn này đang là vấn đề được đặt ra.
Theo ông Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia thương mại: Các doanh nghiệp kinh doanh thức ăn chăn nuôi cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước có thể thay thế được nhập khẩu. Cân bằng khẩu phần ăn tối ưu nhất; quản trị tốt nguồn nguyên liệu và giảm tối đa các chi phí sản xuất để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi thành phẩm.
Hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi cũng như phân bón tăng cao do Việt Nam một phần vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Điều đó khiến việc kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón gặp nhiều khó khăn. Thực tế là nhiều cửa hàng thức ăn chăn nuôi, phân bón hiện đang bán hàng rất cầm chừng, chỉ khi khách đến mua mới gọi hàng từ đại lý chở đến tận nơi giao cho khách.
Ông Dương Tất Thắng, Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ NN& PTNT cho biết: Chúng tôi cùng với Bộ NN& PTNT sẽ rà soát lại một số cơ chế chính sách chưa được tháo gỡ để trình Chính phủ giảm thuế một số nguyên liệu nhập khẩu như ngô, lúa mì.
Bộ NN&PTNT cho biết, sắp tới sẽ làm việc với các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu để bàn giải pháp ổn định giá đầu vào cho sản xuất nông nghiệp trong nước nhằm tránh cú sốc trước đà tăng giá của nhiều loại mặt hàng hiện nay./.