(ANTV) - Hiện nay, trên cả nước đang diễn ra tình trạng cá nhân, doanh nghiệp trúng đấu giá đất rồi liên tiếp bỏ cọc. Điều này đã trở thành một vấn đề nóng trong dư luận xã hội, bởi nó mang lại nhiều hệ lụy cho thị trường bất động sản.
Mới đây, trên địa bàn huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa, chính quyền huyện này cũng đã phải hủy kết quả 46 lô đất vì bên trúng đấu giá không hoàn thành nghĩa vụ tài chính, bỏ cọc. Được biết, 46 lô đất trên có giá khởi điểm khoảng 250 triệu đồng/lô, quá trình đấu giá đã được đẩy lên 1 - 1,4 tỷ đồng/lô, gấp 4 - 6 lần so với giá khởi điểm.
Đây chỉ là một trong rất nhiều những vụ bỏ cọc đấu giá đất đang diễn ra trên phạm vi cả nước.
Ông Nguyễn Tú, Quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: Bỏ cọc là việc làm hết sức phản cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến uy tín và hình ảnh của doanh nghiệp bỏ cọc. Đồng thời, khiến cho việc đấu giá quyền sử dụng đất của nhà nước như biến thành một trò đùa gây bức xúc trong dư luận xã hội, và có thể để lại nhiều hệ lụy xấu.
Ông Lê Tất Thanh, Quận Đống Đa, Hà Nội cho rằng: Những vụ việc này sẽ tạo ra những cú sốc lớn cho thị trường bất động sản, tạo ra mặt bằng giá không phù hợp với thực tế, có thể tạo điều kiện cho các hành vi thao túng thị trường, đầu cơ, thu lợi bất chính của một số tổ chức và cá nhân.
Bỏ cọc trong đấu giá đất còn gây ra khó khăn cho công tác quản lý, thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai và đầu tư của Nhà nước.
Để hạn chế việc bỏ cọc trong đấu giá đất, theo một số chuyên gia thì cũng cần tăng mức đặt cọc đối với tài sản đấu giá là quyền sử dụng đất công, thực hiện dự án kinh doanh bất động sản. Mặt khác, nên bổ sung quy định rõ ràng về các trường hợp cũng như các thiệt hại, chi phí phải bồi thường khi nhà đầu tư bỏ cọc. Để từ đó tăng tính răn đe và có cơ sở pháp lý rõ ràng hơn trong việc xử lý các nhà đầu tư vi phạm./.