(ANTV) - Doanh nghiệp kêu trời vì ế điện; Chia sẻ dữ liệu căn cước công dân: Kỳ vọng ngăn chặn hiệu quả lừa đảo ngân hàng; Mở cửa trở lại một số dịch vụ: Thực hiện nghiêm quy định phòng dịch;.. là những tin tức nổi bật trên các báo ngày hôm nay 23/6
Báo CAND: Doanh nghiệp kêu trời vì ế điện
Nhiều năm gần đây, ở khu vực Tây Nguyên, nhiều nhà đầu tư đổ xô vào đầu tư năng lượng điện mặt trời, với hy vọng sẽ mang lại lợi nhuận cao. Thế nhưng thực tế lại hoàn toàn không phải như vậy, đến nay, nhiều nhà đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này đang gặp nhiều khó khăn.
Ghi nhận vấn đề này, báo CAND có bài “Doanh nghiệp kêu trời vì ế điện”, bài viết cho biết, tận dụng thời tiết nắng gió ở Tây nguyên và với hy vọng vào lợi nhuận từ việc bán điện, nhiều nhà đầu tư đã bỏ ra số tiền lớn để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh điện năng lượng mặt trời.
Riêng tại tỉnh Đắk Lắk, đã có hơn 5.500 công trình điện năng lượng mặt trời, còn tỉnh Đăk Nông có hơn 650 công trình điện năng lượng mặt trời. Thế nhưng, những ngày gần đân, các nhà đầu tư liên tục kêu cứu vì không bán được điện. Trong đó, không ít nhà đầu tư thiệt hại lớn và lâm vào cảnh nợ nần chồng chất vì đã vay để đầu tư công trình điện năng lượng mặt trời.
Nguyên nhân của tình trạng này, các chuyên gia cho rằng, thứ nhất là do tình hình dịch bệnh Covid 19 khiến nhu cầu tiêu thụ điện giảm đột ngột, dẫn đến thừa điện, đặc biệt là vào khung giờ cao điểm, việc cắt tải điện đã được ngành điện phân bổ đều trong cả nước, nên nhiều nhà đầu tư không bán được điện.
Bên cạnh đó, đại diện Cục điện lực và năng lượng tái tạo, Bộ Công thương cho biết, do các nhà đầu tư ồ ạt xây dựng các công trình điện năng lượng mặt trời, trong khi hệ thống lưới điện truyền tải không thể theo kịp, nên việc dư thừa là điều dễ hiểu. Chi tiết mời quý vị và các bạn tìm đọc trên báo CAND số ra ngày hôm nay.
Lao động: Chia sẻ dữ liệu căn cước công dân - Kỳ vọng ngăn chặn hiệu quả lừa đảo ngân hàng
Mới đây, bốn ngân hàng thương mại lớn trong nước đã cùng Bộ công an ký thỏa thuận khai thác dữ liệu căn cước công dân. Đây là nội dung rất lớn phục vụ cho chiến lược chuyển đổi số của ngân hàng. Và nhiều ngân hàng kỳ vòng rằng, khi khai thác được dữ liệu căn cước công dân sinh trắc học, gần như việc giảo mạo thông tin khi mở thẻ ngân hàng sẽ không còn nữa.
Ghi nhận vấn đề này, báo Lao động có bài “Chia sẻ dữ liệu căn cước công dân: Kỳ vọng ngăn chặn hiệu quả lừa đảo ngân hàng”, bài báo cho biết, hiện các ngân hàng đang trong quá trình chuyển đổi số, đặc biệt là việc triển khai định danh khách hàng điện tử. Việc định danh được ví như cửa ngõ của ngân hàng số. Đây là phương thức cơ bản để triển khai thành công Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia. Và việc khai thác dữ liệu căn cước công dân sẽ tạo thuận lợi lớn hơn cho việc triển khai này.
Slide Lao động: Theo đại diện nhiều ngân hàng khẳng định, việc định danh điện tử sẽ tăng tính bảo mật, thâm chí là còn an toàn hơn giao dịch trực tiếp tại quầy, góp phần ngăn chặn các hành vi lừa đảo. Đại diện ngân hàng nhà nước cho biết, việc khai thác dữ liệu căn cước công dân sẽ mang lại nhiều lợi ích trong thời gian tới, đặc biệt là cho khách hàng khi thực hiện các giao dịch.
Mở cửa trở lại một số dịch vụ: Thực hiện nghiêm quy định phòng dịch
Trong ngày 22/6, Hà Nội đã chính thức cho phép mở lại một số dịch vụ nhà hàng, quán ăn, cắt tóc,…đây là một tin vui đối với nhiều người dân, cũng là kết quả của việc phòng chông dịch hiệu quả tại thủ đô. Và trong ngày đầu mở cửa trở lại một số dịch vụ, các quy định phòng dịch vẫn được thực hiện một cách nghiêm túc. Ghi nhận của báo Kinh tế và Đô thị.
Ghi nhận trong ngày đầu mở cửa, nhiều hàng quán đều đông khách, đặc biệt là các hàng phở và các quán cafe,tuy nhiên, các hàng quán này đều thực hiện nghiêm tục các biện pháp phòng dịch. Bên cạnh đó, một bộ phận chủ cửa hàng vẫn chỉ treo biển bán mang về, vì không chuẩn bị kịp để mở lại do thời gian gấp.
Ở một góc độ khác, các cơ quan chức năng cũng đã tiến hành nhiều đợt thanh kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và yêu cầu một số cửa hàng chưa đủ điều kiện phòng dịch chưa được mở hàng, khi nào hoàn thiện các biện pháp phòng dịch như tấm chắn, nước sát khuẩn mới được phép mở lại.
Đại diện Thành ủy, Ủy ban nhân dân TP Hà Nội cho biết, sẽ không lơi lỏng trong công tác phòng chống dịch bệnh, giữ vững thành quả đã đạt được.