(ANTV) - Liên quan đến cuộc bầu cử Quốc hội liên bang Australia, Ủy ban Bầu cử Australia (AEC) cho biết, các cử tri phải cách ly do mắc COVID-19 trong vòng ba ngày trước ngày bầu cử chính thức sẽ tham gia hệ thống bỏ phiếu qua điện thoại.
Theo quy định trên, những ai có kết quả dương tính từ thời điểm trên đến khi kết thúc bỏ phiếu vào ngày 21/5 không thể bỏ phiếu qua đường bưu điện hoặc trực tiếp.
Với hơn 40.000 người Australia mắc COVID-19 mỗi ngày, có khả năng một số lượng khá lớn, hơn 120.000, cử tri Australia sẽ không thể thực hiện được quyền công dân của mình. AEC cho biết, để khắc phục tình huống trên, Ủy ban khuyến khích mọi người chủ động lên kế hoạch bỏ phiếu. Một số cử tri đã bỏ phiếu qua đường bưu điện và một số cử tri dự kiến sẽ đi bỏ phiếu sớm, bắt đầu từ ngày 9/5 tới.
Theo kết quả thăm dò dư luận Newspoll mới nhất ngày 1/5, sau một nữa chặng đường của chiến dịch tranh cử, Công đảng Australia (ALP) vẫn duy trì được lợi thế so với đảng Tự do (LPA) của Thủ tướng Scott Morrison, với tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho hai đảng lần lượt là 53-47.
Cánh tả Pháp thành lập liên minh đối lập
Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vào tháng 6 tới, đảng thiên tả “Nước Pháp bất khuất” (LFI) hôm 2/5 ký thỏa thuận lịch sử hình thành liên minh với đảng Sinh thái (EELV), đồng thời đẩy nhanh thương lượng với các đảng cánh tả khác là. Mục tiêu của liên minh này là giành đa số ghế Quốc hội để hạn chế quyền lực của Tổng thống Emmanuel Macron.
Trong thông cáo chung đưa ra, đảng “Nước Pháp bất khuất” và đảng Sinh thái, cho biết đã đạt thỏa thuận thành lập mặt trận chung có tên gọi “Liên minh nhân dân Sinh thái và Xã hội mới”.
Theo thỏa thuận, liên minh này sẽ tiến hành chiến dịch vận động tranh cử chung trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vào tháng 6 tới, với mục tiêu giành đa số ghế để trở thành lực lượng đối lập chính nhằm hạn chế quyền lực của Tổng thống Emmanuel Macron.
Sự kiện hai chính đảng cánh tả được đánh giá là lớn nhất của Pháp hiện nay hình thành liên minh được xem là dấu mốc lịch sử sau thời gian dài chia rẽ và suy yếu kể từ sau nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Francois Hollande năm 2017.