(ANTV) - Thụy Điển - quốc gia đang giữ vị trí Chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu, cho biết, sau các cuộc thảo luận tại Brussels (Bỉ), 27 Bộ trưởng ngoại giao của Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý về gói viện trợ trị giá 500 triệu euro (542 triệu USD) cho Ukraine, với cam kết: kiên định ủng hộ lực lượng vũ trang Ukraine.
Nguồn kinh phí mua vũ khí sẽ được giải ngân từ "Quỹ hòa bình châu Âu" - quỹ được EU sử dụng để tài trợ cho quân đội nước ngoài. Khoản viện trợ được chia thành bảy gói liên tiếp kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine hồi tháng 2 năm ngoái. Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24/2/2022, Kiev đã nhận được hơn 37 tỷ USD viện trợ từ EU. Mới đây, EU cam kết hỗ trợ tài chính 19,5 tỷ USD cho Ukraine năm 2023.
Ukraine đã yêu cầu các nhà tài trợ quốc tế cung cấp nguồn hỗ trợ kinh tế vĩ mô cho nước này. Yêu cầu được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế của Ukraine bị phá hủy sau thời gian chiến sự. Ukraine ước tính nước này cần ít nhất 3,9 tỷ USD mỗi tháng từ nguồn vốn vay hoặc viện trợ để đảm bảo chức năng cơ bản của chính phủ.
Nga cảnh báo việc cung cấp vũ khí của phương Tây cho Kiev sẽ chỉ kéo dài xung đột, đồng thời khiến các quốc gia phương Tây trở thành những bên tham gia trên thực tế trong xung đột ở Ukraine.
EU đưa ra các phương án điều chỉnh thị trường năng lượng
Liên minh châu Âu (EU) cũng đang chuẩn bị các đề xuất điều chỉnh thị trường năng lượng, trong đó cố gắng giảm thiểu tác động của biến động giá nhiên liệu hóa thạch đối với hóa đơn tiền điện của người tiêu dùng trong khối.
Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra một số lựa chọn để điều chỉnh cách thức bán điện của các nhà máy điện, một phần trong kế hoạch cải tổ thị trường mà EC sẽ đề xuất vào tháng 3 tới.
Đề xuất của EU sẽ mở rộng việc triển khai những hợp đồng cung cấp điện dài hạn với mức giá cố định, qua đó giúp tạo ra “vùng đệm” cho người tiêu dùng năng lượng trước những biến động của giá cả trên thị trường năng lượng ngắn hạn, giúp ổn định hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình cũng như các doanh nghiệp.
Kế hoạch này nhằm tránh tái diễn tình trạng của năm ngoái, khi gián đoạn nguồn cung khí gas từ Nga đã khiến giá điện tại các nước châu Âu tăng cao kỷ lục, gây khó khăn cho các hộ gia đình và buộc một số ngành công nghiệp phải đóng cửa.