(ANTV) - Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang cho thấy xu hướng đáng quan ngại trên phạm vi toàn cầu. Ở châu Á, số ca mắc mới hằng ngày ở Nhật Bản đã tăng gần 16 lần kể từ đầu năm nay, minh chứng rõ nét cho làn sóng lây nhiễm virus SARS-CoV-2 do biến thể Omicron gây ra trên khắp châu lục. Trong khi đó, các “kỷ lục buồn” liên tiếp được xác lập ở Philippines. Ấn Độ cũng ghi nhận số ca mắc mới trong một ngày cao nhất trong 7 tháng vào ngày 9/1.
Philippines ngày hôm nay ghi nhận hơn 33.000 ca mắc mới COVID-19, nhiều hơn 7.000 ca so với ngày hôm qua, và chỉ hai tuần sau khi báo cáo chưa đến 200 ca/ngày. Các biện pháp hạn chế đã được áp đặt ở thủ đô Manila, cũng như hàng chục tỉnh/thành khác để đối phó với làn sóng gia tăng số ca mắc mới COVID-19.
Trong khi đó, Ấn Độ báo cáo hơn 180.000 ca mắc mới trong ngày 9/1 - mức cao nhất kể từ tháng 5 - khi Omicron vượt qua Delta trở thành biến thể chủ đạo gây bệnh tại các vùng đô thị của quốc gia Nam Á này.
Nhật Bản cũng ghi nhận 8.100 ca mắc mới trong hôm nay, khi tình trạng lây nhiễm tiếp tục gia tăng với tốc độ đáng báo động. Các chuyên gia y tế cho biết, những người nhiễm Omicron dù nhẹ hoặc không có triệu chứng có thể vô tình lây lan virus cho cộng đồng xung quanh mà không hề hay biết.
Tại Trung Quốc, nơi Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 sẽ khai mạc vào ngày 4/2 tới, đã ghi nhận 157 ca mắc mới COVID-19 vào hôm nay. Con số này đã giảm so với 165 ca mắc được ghi nhận một ngày trước đó, với hầu hết ca nhiễm tập trung tại các tỉnh Hà Nam và Sơn Tây.
Israel ghi nhận trường hợp viêm cơ tim do biến thể Omicron
Israel ghi nhận trường hợp viêm cơ tim đầu tiên do biến thể Omicron. Đó là trường hợp của bệnh nhân 43 tuổi, người từng tiêm mũi tăng cường hồi tháng 8 vừa qua, nhưng đã phải nhập viện và điều trị tích cực tại bệnh viện với diễn biến được các bác sĩ nhận định là “đáng lo ngại”.
Các bác sĩ của bệnh viện ở Tel Hashomer (Ten Ha-xo-meo) cho biết, đây là lần đầu tiên họ gặp phải trường hợp viêm cơ tim ở người nhiễm Omicron. Bệnh viện sẽ theo dõi sát diễn biến của người bệnh đang được điều trị tại phòng hồi sức tích cực.
Bệnh viện cũng cho biết, người bệnh từng tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi tăng cường vào tháng 8 vừa qua và có sức khỏe tốt, không có bệnh nền.
Israrl đang đối diện với đợt bùng phát lây nhiễm do biến thể Omicron gây ra. Tổng số ca mắc được ghi nhận trong ngày 9/1 là hơn 12.300 ca. Số ca bệnh phải nhập viện cũng tăng lên mức 524 ca so với 338 ca một tuần trước đó. Tỉ lệ dương tính với virus trong xét nghiệm tại Israel lên tới 11,7%, mức cao nhất kể từ tháng 10/2020.
So sánh biến chứng của COVID-19 và bệnh cúm thông thường
Bên cạnh COVID-19, thời điểm mùa đông cũng đang gây lo ngại nguy cơ bùng phát dịch cúm ở một số nước. Và nguy hiểm hơn, khi ở nhiều người, triệu chứng gây bệnh của 2 loại virus này tương đối giống nhau. Trong một nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Bệnh truyền nhiễm mới nổi của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, các nhà nghiên cứu đưa ra một vài thông số liên quan biến chứng giữa các bệnh nhân mắc COVID-19 và các bệnh nhân mắc cúm thông thường.
Kết quả nghiên cứu cho thấy 4.000 bệnh nhân COVID-19 và 678.000 bệnh nhân cúm thông thường có xuất hiện hơn 1 biến chứng. Các biến chứng gồm các bệnh về da, viêm phổi và hen suyễn xuất hiện nhiều hơn ở nhóm mắc cúm. Tuy nhiên, các nguy cơ liên quan đến việc rụng tóc, bệnh về tim, giảm trí nhớ và rối loạn tinh thần cao hơn ở nhóm mắc COVID-19.
Trong nghiên cứu trên, số bệnh nhân COVID-19 có triệu chứng nhẹ và vừa nhập viện cao hơn số bệnh nhân cúm phải nhập viện.
Ở nhóm mắc COVID-19, những người từ 20-44 tuổi có tỷ lệ biến chứng cao nhất. Trong khi ở nhóm mắc cúm, tỷ lệ biến chứng là 1,04 ở nữ. Nhóm từ 65 tuổi trở lên có tỷ lệ biến chứng cao nhất.