(ANTV) - Theo kết quả nghiên cứu được thực hiện tại Ấn Độ, người có hệ miễn dịch lai có khả năng ngăn chặn hiệu quả biến thể Omicron. Người có hệ miễn dịch lai là người được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 sau khi từng mắc và khỏi bệnh.
Theo kết quả nghiên cứu được tiến hành trong vòng 1,5 năm với 2.000 bệnh nhân, người được tiêm vaccine sau khi khỏi COVID-19 phát triển hệ miễn dịch lai có khả năng kháng virus hữu hiệu, với phản ứng miễn dịch mạnh gấp 30 lần so với hiệu quả của việc tiêm 2 mũi vaccine. Mở rộng nghiên cứu đối với biến thể Omicron, kết quả cho thấy, người có hệ miễn dịch lai có khả năng ngăn chặn hiệu quả biến thể Omicron còn hơn cả người đã tiêm 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Theo nhóm nghiên cứu, đây chính là nguyên nhân giúp Ấn Độ ghi nhận số ca tử vong giảm mạnh trong làn sóng dịch thứ 3.
Ấn Độ hiện đã nới lỏng quy định về nhập cảnh đối với du khách quốc tế, theo đó khách quốc tế đến nước này sẽ không phải cách ly bắt buộc tại nhà trong 7 ngày hoặc tiến hành xét nghiệm RT-PCR trong ngày thứ 8 sau khi đến Ấn Độ.
Italia hướng tới tiêm nhắc vaccine hàng năm
Nhiều nước trên thế giới đang đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng COVID-19 tăng cường. Trong những ngày gần đây, số liều tăng cường đã chiếm gần 90% tổng số liều tiêm mỗi ngày trên toàn cầu. Trong khi đó tại Italia, Cơ quan Dược phẩm nước này (AIFA) khẳng định sẽ không triển khai tiêm liều thứ 4 vaccine ngừa COVID-19, mà hướng tới việc tiêm nhắc lại hàng năm.
Theo Cơ quan Dược phẩm Italia, hiệu quả của vaccine là tốt hơn mong đợi, đạt đến 95% và đã được xác nhận tính thực tế trong quý 1.
Đến nay, hơn 82% người dân Italia đã hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, trong đó có khoảng gần 60,2% đã tiêm liều thứ 3.
Dự kiến đến 31/3, thời hạn áp đặt tình trạng khẩn cấp ở Italia sẽ kết thúc, đồng nghĩa với các hạn chế sẽ được gỡ bỏ hoặc giảm nhẹ. Bộ Y tế đã ban hành sắc lệnh về việc chấm dứt nghĩa vụ đeo khẩu trang ngoài trời từ hôm nay 11/2, nhưng người dân vẫn phải mang theo khẩu trang và sử dụng tại những nơi đông người cho đến khi tình trạng khẩn cấp kết thúc.
Đông Nam Á tăng tốc mở cửa du lịch hậu COVID-19
Giai đoạn cuối năm 2021 lẽ ra là thời điểm nhiều quốc gia trên thế giới mở cửa đón du khách quốc tế trở lại sau gần hai năm, nhưng sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến ngành du lịch một lần nữa phải chững lại. Tuy nhiên, sang đến năm 2022, các kế hoạch mở cửa rộng rãi cho du khách đã được tái khởi động. Tại khu vực Đông Nam Á, các quốc gia đang tăng tốc thu hút du khách quốc tế và để không tụt hậu trong cuộc đua phục hồi hậu COVID-19.
Sau gần hai năm đóng cửa biên giới, Philippines từ ngày 10/2 bắt đầu mở cửa đón du khách quốc tế đã tiêm chủng mà không cần cách ly. Du khách đã tiêm vaccine COVID-19 đầy đủ từ 157 quốc gia và vùng lãnh thổ được miễn thị thực chỉ cần có xét nghiệm âm tính 48 giờ khi bay đến Philippines. Danh sách miễn thị thực du lịch này gồm nhiều thị trường hàng đầu của Philippines như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Canada và Anh.
Trong khi đó, Indonesia đã mở cửa hòn đảo Bali đón tất cả du khách quốc tế bắt đầu từ ngày 4/2 vừa qua. Hồi đầu tháng này, Thái Lan cũng đã nối lại chương trình "Xét nghiệm và đi"- một cơ chế du lịch không cách ly, mà chỉ cần du khách đã tiêm đủ liều vaccine và mua trước bảo hiểm sức khỏe với mức chi trả ít nhất 50.000 USD.