Theo Cơ quan y tế công cộng Pháp, trong 5 ngày trở lại đây, 62,4% số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 là các trường hợp mắc Omicron. Giới chức trách Pháp đã phải yêu cầu các bệnh viện trì hoãn các cuộc phẫu thuật không cần thiết để nhường giường bệnh cho các bệnh nhân COVID-19.
Trong khi đó, Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi bất kỳ người nào chưa được chủng ngừa hãy tiêm phòng vaccine. Ông khẳng định đất nước cần nỗ lực hết mình để tránh phải áp đặt các biện pháp hạn chế mới.
Từ ngày 1/1/2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), với 15 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam, đã chính thức có hiệu lực. Hiệp định được đánh giá sẽ tạo ra 1 luồng gió mới thúc đẩy sự phục hồi của khu vực sau đại dịch COVID-19, đồng thời là chất xúc tác góp phần đẩy mạnh kinh tế toàn cầu.
Chiếm gần 30% dân số toàn cầu (tương đương 2,7 tỷ người) và có GDP lên tới 26.200 tỷ USD, RCEP được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng chảy đầu tư và thương mại khu vực, cũng như hội nhập kinh tế và thịnh vượng khu vực và thế giới.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đánh giá RCEP sẽ mở ra những cơ hội có thể là “chất xúc tác” giúp mở rộng đầu tư và thương mại khu vực. Trong tuyên bố ngày 1/1, Ban Thư ký ASEAN nhấn mạnh việc RCEP có hiệu lực thể hiện quyết tâm của khu vực thúc đẩy một hệ thống thương mại đa phương cởi mở, tự do, công bằng, bao trùm và dựa trên nguyên tắc.
Trong khi đó, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) nhận định RCEP sẽ tạo ra “một trung tâm thu hút thương mại toàn cầu”, đồng thời cho rằng thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới này sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu của khu vực tăng thêm 42 tỷ USD.