(ANTV) - Thái Lan: Khu chợ độc đáo nằm ngay trên đường ray tàu hỏa; Trung Quốc: Công viên Disneyland Thượng Hải mở cửa trở lại; Phần Lan dẫn đầu chỉ số chất lượng sống; Ai Cập phát triển loại bê tông có khả năng phát sáng; Đan Mạch khánh thành Bảo tàng về người di cư;... là những tin tức quốc tế 24h qua.
Thái Lan: Khu chợ độc đáo nằm ngay trên đường ray tàu hỏa
Thái Lan nổi tiếng với rất nhiều khu chợ, trong đó chợ đường sắt Mae Klong là khu chợ rất nổi tiếng với du khách quốc tế và ngay cả với người dân Thái Lan bởi nó nằm ngay trên đường ray tàu hỏa.
Tại đây có hàng trăm gian hàng chạy dọc theo đoạn đường sắt dài 500 mét. Chợ bán đủ thứ, từ nông sản tươi sống, đến quần áo, đồ lưu niệm. Giờ đây, khi Thái Lan dỡ bỏ gần như hầu hết các hạn chế nhập cảnh, khách du lịch lại đổ xô đến chợ để có được trải nghiệm mua sắm sản vật địa phương rất khác lạ. Khi có tiếng thông báo tàu sắp đến, các tiểu thương sẽ dọn hàng để mở đường cho tàu chạy qua. Còn du khách sẽ nép vào những ngóc ngách hay chọn cho mình những chỗ đẹp cạnh đường ray để chụp ảnh. Mỗi ngày có 6 chuyến tàu chạy qua chợ đường sắt Mae Klong này.
Trung Quốc: Công viên Disneyland Thượng Hải mở cửa trở lại
Từ ngày hôm nay (29/6), khách tham quan công viên giải trí chủ đề Disneyland Thượng Hải, tại Trung Quốc sẽ có thể mua vé tham quan, khi công viên dự kiến mở cửa trở lại từ ngày 30/6, sau 3 tháng đóng cửa phòng dịch COVID-19.
Công viên Disneyland Thượng Hải sẽ mở cửa với công suất hạn chế. Số lượng vé tham quan bán ra mỗi ngày sẽ được giới hạn ở mức nhất định, và khách phải đặt vé trực tuyến. Ban quản lý công viên cho biết sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, trong đó có các biện pháp bổ sung và điều chỉnh phù hợp với hướng dẫn của chính quyền địa phương. Du khách phải đeo khẩu trang mọi lúc, mọi nơi khi tham quan công viên, ngoại trừ khi ăn uống.
Phần Lan dẫn đầu chỉ số chất lượng sống
Tạp chí CEOWORLD của Mỹ mới đây công bố bảng xếp hạng chất lượng sống toàn cầu năm 2021. Trong đó, các nước Bắc Âu tiếp tục giữ vững các vị trí dẫn đầu.
Theo CEOWORLD, Phần Lan, Đan Mạch và Na Uy lần lượt giữ 3 vị trí dẫn đầu trong bảng xếp hạng. Tạp chí này đánh giá Phần Lan dẫn đầu ở các hạng mục như xã hội an toàn, chính trị ổn định, có hệ thống y tế phát triển. Một số tiêu chí đánh giá quan trọng khác gồm có tình hình kinh tế và việc làm, hệ thống giáo dục… Trong khi đó, các vị trí cuối bảng xếp hạng lần lượt gồm có Syria và Sudan. Cũng trong bảng xếp hạng, Việt Nam được xếp vị trí 62 trong tổng số 165 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng mạnh 39 bậc só với 1 năm trước đó. Trong số các quốc gia khu vực Đông Nam Á, chỉ có Singapore lọt top 20 quốc gia có chất lượng sống tốt nhất thế giới.
Ai Cập phát triển loại bê tông có khả năng phát sáng
Bốn sinh viên Ai Cập đã phát triển một loại bê tông tự phát sáng. Bê tông có khả năng hấp thụ năng lượng từ mặt trời và phát sáng vào ban đêm.
Bê tông này sẽ vẫn có các đặc tính cơ học giống như bê tông thông thường, nhưng được pha thêm các chất phụ gia cho phép nó phát sáng. Loại bê tông này sẽ làm giảm sự phụ thuộc vào nguồn điện được sử dụng để thắp sáng đường cao tốc và chiếu sáng các biển báo trên những đoạn đường dài. Nghiên cứu này là một bước tiến trong xu hướng sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, không tiêu thụ điện năng, không thải carbon dioxide hoặc các khí độc hại ra môi trường.
Đan Mạch khánh thành Bảo tàng về người di cư
Một bảo tàng với chủ đề thú vị mới đây đã được khánh thành tại Đan Mạch - Bảo tàng về người di cư, với mong muốn kể chân thực hơn câu chuyện đằng sau những người phải lựa chọn rời khỏi đất nước mình. Nữ hoàng Margrethe và Phó Thủ tướng Đức Robert Habeck đã tham dự lễ khánh thành.
Bảo tàng người di cư có diện tích 5.000 m2 đặt tại khu ngoại ô thành phố Oksboel, được xây nên từ chính các tòa nhà vốn là nơi cư trú cho khoảng 35.000 người tị nạn từ Đức đến Đan Mạch sau Chiến tranh thế giới thứ Hai.
Ông Claus Kjeld Jensen – Giám đốc bảo tàng chia sẻ: “Tôi hy vọng những người đến đây có thể hiểu rõ hơn về câu chuyện tị nạn và di cư, vì sao mọi người phải bỏ đi, họ đi như thế nào và quá trình ảnh hưởng đến họ như thế nào.”
Bảo tàng ra đời với mong muốn cung cấp cho mọi người cái nhìn sâu sắc hơn của việc trở thành người tị nạn cũng như cảm giác trở thành quốc gia nhận người tị nạn. Một trong những câu chuyện được kể là của Rahima Abdullah, 19 tuổi, một người di cư Syria đến Đan Mạch khoảng 6 năm trước.
Em Rahima Abdullah – Người di cư Syria chia sẻ: "Ngày nay, mọi người nói về người di cư chỉ qua những con số và quên mất rằng đằng sau khái niệm về người di cư là những con người thật với những câu chuyện thật, những con người bình thường phải đi di tản vì những lý do họ không thể lựa chọn khác đi.”
Bảo tàng được mở cửa cho công chúng tham quan, bắt đầu từ ngày 29/6. Theo số liệu công bố tháng trước của cơ quan người tị nạn Liên hợp quốc, có hơn 100 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa trên khắp thế giới.