(ANTV) - Bộ Tài chính Afghanistan đã ra lệnh cho tất cả các ngân hàng nước này, bao gồm cả ngân hàng nước ngoài, phong tỏa tài khoản của các quan chức thuộc chính quyền cũ cũng như những đại diện cấp cao trong quân đội nước này.
Theo thông báo, Taliban cũng yêu cầu các ngân hàng cung cấp thông tin về lượng tiền trong tài khoản của các cựu quan chức, cụ thể là các cựu bộ trưởng, nghị sỹ, thống đốc, thị trưởng và các chính trị gia khác, cũng như các tướng lĩnh cấp cao.
Trước đó, ngày 9/9, Ngân hàng quốc gia Afghanistan đã bắt đầu phong tỏa tài khoản của các cựu bộ trưởng và cựu quan chức. Do khan hiếm tiền mặt trong nước, Taliban đã quyết định áp đặt giới hạn rút tiền mặt theo tuần.
Hội đồng Bảo an LHQ tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố 11/9
Ngày hôm qua, tròn 20 năm kể từ khi xảy ra sự kiện 11/9. Các hoạt động tưởng niệm đã diễn ra trên khắp nước Mỹ để tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ khủng bố kinh hoàng này. Sự kiện năm nay có sự góp mặt của các quan chức trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tại lễ tưởng niệm, các thành viên của Hội đồng Bảo an đã tới đặt vòng hoa tưởng niệm gần 3.000 nạn nhân từ hơn 90 quốc gia thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001. Các thành viên của Hội đồng Bảo an cũng đã gửi lời chia buồn đến gia đình và bạn bè của những người thiệt mạng trong các cuộc tấn công 11/9, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục ngăn chặn và chống chủ nghĩa khủng bố phù hợp với luật pháp quốc tế/ và giúp các thế hệ sau thoát khỏi thảm họa chiến tranh.
Theo Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đoàn kết chính là sức mạnh giúp cơ quan này thực hiện mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Người dân Afghanistan trong ngày 11/9.
Tại Afghanistan, lễ tưởng niệm nạn nhân vụ khủng bố 11/9 không tìm được tiếng vang do Taliban trở lại cầm quyền. Đất nước Trung Á này dường như đã quay trở lại vị trí ban đầu như tại thời điểm 20 năm trước.
Vụ khủng bố ngày 11/09/2001 vào nước Mỹ là nguồn cội cho cuộc can thiệp quân sự của Mỹ tại Afghanistan với gần 2.300 tỷ đô la đã được chi ra. Sự can thiệp đó mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng khoét sâu thêm những cách biệt và ngăn cách về văn hóa ở phần lớn đất nước. Cay đắng, thất vọng, ngờ vực là những cảm xúc của người dân Kabul khi nhìn về sự kiện này.
Người dân Afghanistan chia sẻ: “20 năm trước, quân đội Mỹ đã đến đất nước của chúng tôi. Họ tới đây không phải để mang lại hòa bình và ổn định mà chỉ là vì lợi ích kinh tế trong thời gian ngắn. Nước Mỹ có nhiều mối quan tâm đặc biệt đến Châu Á, đặc biệt ở vùng Trung Á. Cho nên họ đến đây là vì lợi ích của bản thân chứ không phải vì người dân Afghanistan.”
Người dân Afghanistan chia sẻ: “Là một người dân Afghanistan, tôi có thể khẳng định, trong vòng 20 năm qua, nước Mỹ chẳng đem lại được điều gì tốt đẹp cho chúng tôi.”
Người dân Afghanistan chia sẻ: “Giờ đây chúng tôi có an ninh. Tạ ơn Chúa, mong rằng sự bình yên này sẽ còn mãi. Hiện vẫn còn nhiều khó khăn trong cuộc sống của chúng tôi. Taliban sẽ giải quyết những vấn đề đó.”
Sau 20 năm nội chiến, chia cắt, người dân Afghanistan lại một lần nữa hi vọng về một cuộc sống bình yên tốt đẹp hơn. Tuy nhiên lần này, hi vọng ấy được đặt vào chính bàn tay của người Afghanistan.