(ANTV) - Ngày 20/3 là ngày được Đại hội đồng Liên Hiệp quốc chọn là ngày Quốc tế hạnh phúc nhằm tôn vinh niềm hạnh phúc của nhân loại, đồng thời, cũng là dịp để người dân trên toàn thế giới chung tay hành động, nỗ lực hơn nữa để xây dựng một thế giới đại đồng.
Trên thực tế, Ngày Quốc tế Hạnh phúc được lấy từ ý tưởng từ Vương quốc Bhutan, quốc gia được đánh giá là có chỉ số hạnh phúc cao dựa trên các yếu tố như sức khỏe, tinh thần, giáo dục, môi trường, chất lượng quản lý và mức sống và chất lượng sống của người dân.
Lẩn khuất trong những áng mây, dựa mình vào dãy núi Himalaya, đất nước Bhutan nhỏ bé tưởng chừng như tách mình với cuộc sống bên ngoài nhưng lại được cả thế giới ngưỡng mộ. Dù cuộc sống vẫn còn nghèo hay không có được nền kinh tế vượt bậc như nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới, người dân Bhutan vẫn luôn thoải mái với những gì mình có bởi tại đây, giá trị tinh thần luôn được đề cao để tạo nền tảng cho hạnh phúc của người dân thay vì giá trị vật chất.
Chính phủ Bhutan đo hạnh phúc của người dân và thực sự coi đó là chỉ số đánh giá sự phát triển của đất nước. Thay vì chỉ sử dụng GDP, quốc gia này còn đưa vào chỉ số GNH (Tổng hạnh phúc quốc gia). Có lẽ, dù chưa thể mang lại hạnh phúc cho tất cả mọi người nhưng việc họ nhận thức được về hạnh phúc và đo lường nó sẽ là cách để thay đổi cuộc sống cho người dân Bhutan trong tương lai theo hướng tích cực hơn.
Airbus ra mắt taxi bay tự lái
Với công nghệ hiện đại, con người đang tiến tới giải quyết bài toán tắc đường. Bằng chứng là Airbus vừa công bố mô hình taxi tự lái có thể di chuyển trên đường và bay trên không để tránh những đoạn đường bị tắc nghẽn.
Hệ thống taxi biến hình mang tên Pop.Up là hệ thống dạng module: module mặt đất là một khoang chở khách hai chỗ có thể lắp lên khung gầm 4 bánh. Khoang này làm từ vật liệu sợi carbon dài 2,6 m, cao 1,4 m và rộng 4,9 m. Module trên không là một hệ thống động cơ dạng cánh quạt như flycam.
Khi tắc đường, người dùng chỉ cần yêu cầu phương tiện chuyển sang chế độ bay, hệ thống cánh quạt sẽ bay đến, tự động lắp ráp để biến chiếc xe thành taxi bay. Sau khi hành khách đến đích, module trên không và mặt đất sẽ trở lại trạm sạc chuyên dụng để nạp điện và chờ khách hàng tiếp theo.
Pop.Up sử dụng động cơ điện có tầm hoạt động 100 km. Giao diện giao tiếp với người dùng trong môi trường ảo hoàn toàn. Đây là kết quả hợp tác giữa Airbus và công ty thiết kế Italdesign. Tuy nhiên, Airbus khẳng định Pop.Up sẽ được triển khai sớm nhất trong giai đoạn 2024-2027./.