(ANTV) - Đài truyền hình nhà nước Triều Tiên (KRT) vừa công bố đoạn video lễ duyệt binh kỷ niệm ngày Quốc khánh lần thứ 73 của nước này. Buổi lễ diễn ra vào ban đêm, với sự tham gia của nhà lãnh đạo Kim Jong-un và các quan chức cấp cao khác của Bình Nhưỡng.
Khác với các lễ duyệt binh trước đây, tham gia sự kiện lần này của Triều Tiên là các lực lượng bán quân sự và an ninh. Đáng chú ý, lễ duyệt binh có sự xuất hiện của khối diễu hành mặc đồ bảo hộ màu cam và đeo mặt nạ có van thở. Đây là lực lượng chống dịch khẩn cấp của Triều Tiên.
Lễ duyệt binh năm nay không có tên lửa đạn đạo, chỉ có một số vũ khí thông thường như pháo chống tăng và pháo phản lực. Nhà lãnh đạo Kim Jong-un cũng không phát biểu tại sự kiện.
Theo các nguồn tin quân sự và hình ảnh vệ tinh, đầu tháng 9 này xuất hiện các dấu hiệu cho thấy, Triều Tiên chuẩn bị cho một cuộc duyệt binh với sự tham gia của nhiều lực lượng quân đội, nhiều trang thiết bị quân sự được nhìn thấy tại sân bay Mirim ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Việc Mỹ và các đồng minh rút quân khỏi Afghanistan đã khiến cộng đồng quốc tế ngày càng lo ngại về vấn đề an ninh tại quốc gia Tây Nam Á. Bản thân giới chức Mỹ mới đây cũng cảnh báo đang theo dõi sát tình hình, xem liệu mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda có tìm cách quay lại khu vực khi Washington đã rút quân hay không.
Phát biểu khi kết thúc chuyến công du 4 ngày tới Vịnh Persic, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẵn sàng ngăn chặn tổ chức Al-Qaeda bành trướng và tái lập lực lượng tại Afghanistan. Theo ông Austin, Mỹ đã thông báo cho Taliban rằng “sẽ không cho phép điều này xảy ra”, đồng thời khẳng định Washington có khả năng giải quyết các mối đe dọa.
Chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump đã ký một thỏa thuận với Taliban hồi tháng 2/2020, trong đó bao gồm yêu cầu Taliban thực hiện các bước để ngăn chặn Al-Qaeda sử dụng Afghanistan “làm bàn đạp” đe dọa an ninh của Mỹ và các đồng minh. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ lo ngại rằng Taliban vẫn tiếp tục bắt tay với lực lượng này gây lo ngại cho các quốc gia khác, bao gồm cả các quốc gia Ả Rập vùng Vịnh.
Xe bus tiêm chủng cho nhóm người dễ bị tổn thương tại Thái Lan
Thủ đô Bangkok, Thái Lan vừa đưa vào thí điểm chương trình huy động dịch vụ xe buýt tham gia chiến dịch tiêm chủng cho người cao tuổi và nhóm người dễ bị tổn thương, giúp họ dễ dàng hơn trong tiếp cận với vaccine ngừa Covid-19.
Từ ngày 8/9, những chiếc xe bus đặc biệt đã xuất hiện tại thủ đô Bangkok, Thái Lan. Nhiệm vụ của chúng không phải là chuyên chở người dân tới các địa điểm khác mà là mang vaccine đến gần hơn với người dân.
Tận dụng lợi thế dễ dàng di chuyển, những chiếc xe bus sẽ lăn bánh đến từng địa điểm trong nội đô và tiêm vaccine cho người dân, chú trọng nhóm người dễ bị tổn thương, bao gồm người cao tuổi, người khuyết tật và người có bệnh mãn tính.
Anh Boonsak Suwannakij, Người dân thủ đô Bangkok, Thái Lan cho biết: “Tôi thuộc nhóm có nguy cơ cao, sống trong vùng đỏ tại Bangkok. Được tiêm vaccine ngay trong cộng đồng địa phương, tôi thấy tiện lợi hơn rất nhiều.”
Ông Manat Phumklahan, Người dân thủ đô Bangkok, Thái Lan cho biết: “Tôi nghĩ sáng kiến này rất hữu ích với những người không thể đi đến các trung tâm tiêm chủng ở xa. Như tôi thì không đi lại nhiều được, vậy nên tiêm ở đây dễ dàng hơn rất nhiều.”
Trên mỗi xe có 6 người phục vụ bao gồm 1 lái xe, 3 nhân viên y tế phụ trách tiêm vaccine và 2 nhân viên phụ trách khâu thủ tục. Với chiến dịch xe bus tiêm chủng này, mỗi ngày sẽ có khoảng 1.000 người dân Bangkok được tiêm vaccine.
Thái Lan đang vật lộn với làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng nhất từ trước tới nay do biến thể Delta gây ra. Kể từ khi đại dịch bùng phát, Thái Lan đã ghi nhận khoảng 1,34 triệu ca mắc, trong đó có hơn 13.700 ca tử vong.