(ANTV) - Tục xin chữ, cho chữ từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống không thể thiếu trong những ngày xuân. Tại TP. HCM, những năm gần đây, người dân có xu hướng chọn chữ trên các vật phẩm chơi Tết, không chỉ để trang hoàng nhà cửa đón xuân mà còn gửi gắm lời chúc cho một năm mới vẹn tròn.
Mỗi độ Tết đến xuân về, góc nhỏ đường Trần Quý, quận 11, TPHCM lại nhộn nhịp hơn bởi những người tới xin chữ. Sạp viết thư pháp của ông Huỳnh Trí Cầu tuy nhỏ, nhưng rực rỡ và đa dạng sắc màu của những lời chúc, câu đối. Năm nay gần 70 tuổi thì có tới hơn 50 năm ông Cầu gắn bó với nghề viết thư pháp. Trải qua nhiều thăng trầm, khi con phố này dần thưa vắng những ông đồ, ông Cầu vẫn cố gắng trụ lại bởi theo ông, dù công nghệ có phát triển, tiên tiến tới đâu thì việc viết chữ thủ công bằng tay vẫn được nhiều người yêu thích bởi cái hồn của nó.
Tiệm thư pháp của ông Cầu nhận viết cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Nhưng để xin chữ quốc ngữ, mấy năm trở lại đây, người dân TPHCM thường tìm tới một địa chỉ khác. Đó là phố ông đồ tại Nhà văn hóa thanh niên. Đây cũng là nơi thu hút nhiều bạn trẻ, bởi với họ, chữ quốc ngữ vốn gần gũi, dễ hiểu hơn.
Không còn đơn thuần xin chữ trên giấy bản đỏ, treo trước nhà, ngày nay, người dân có xu hướng chơi chữ trên các vật phẩm trang trí nhà ngày Tết. Văn tự ghi trên các đồ vật ngày Tết cũng đa dạng và bắt mắt hơn.
Cùng với sự phát triển của xã hội, các ông đồ cũng đã trải qua nhiều thăng trầm, biến thiên của thời gian, nghề cho chữ có lúc tưởng chừng như mai một. Nhưng dường như xã hội càng hiện đại, người ta lại càng muốn tìm về những điều xưa cũ. Dù là chữ Hán, hay chữ quốc ngữ, tục chơi chữ ngày xuân vẫn là truyền thống đáng trân trọng, tô điểm thêm nét đẹp những ngày xuân.