Dưới ngôi làng 8B xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn hai mẹ con chị Hồ Thị Hao một mình vượt cạn, tự cắt nhau rốn và chăm sóc con mình ngay dưới đất với một vài tấm lót trong một túp lều được dựng lên trước đó. Thực phẩm cho người mẹ chỉ là măng, sắn và một ít chuối. Mặc dù lo cho vợ, song vì tập tục của làng, nên anh Hồ Văn Bôn cũng không biết làm gì hơn, ngoài việc đi rừng, kiếm rau, tiếp tế lương thực.
Sau khi sinh 10 ngày tuổi ngoài rừng, muốn trở về nhà, cha mẹ cháu bé phải làm lễ cúng cho làng. Từ bao đời, ở đây vẫn tồn tại nhiều tập tục, mà nếu không thực hiện thì mọi sự rủi ro ngẫu nhiên nào đó đều bị đổ tội cho sinh linh bé bỏng mới chào đời.
Chị Vũ Thị Nhân, Y sỹ Trạm y tế Phước Lộc, huyện Phước Sơn, Quảng Nam cho biết: Người dân mình chưa sinh tại trạm bao nhiêu, họ sinh ở chòi, nếu đi ra trạm thì đi qua các làng khác nữa cũng cử, sợ bị đền, đến khi được 10 ngày thì cúng con gà mới vào nhà chính.
Già làng Hồ Văn Hạnh cho biết: Hồi trước kia có trường hợp chết, chết vì sao? Vì lạnh quá, bị động, ra máu nhiều, người bị lạnh, có nhiều trường hợp chết hồi xưa đó. Vợ cũng là vợ mình, con cũng là con mình chứ có phải con vật đâu mà đuổi ra rừng, cho nên giờ cũng bớt dần một số phong tục tập quán.
Hiện nay, một số hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại trong đồng bào Bnoong huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Chuyện sinh con giữa rừng với bao rủi ro, nguy hiểm của người phụ nữ Bnoong ảnh hưởng tới sức khỏe, nghiêm trọng hơn đó là tính mạng. Trước thực trạng này, cần có sự vào cuộc tích cực của chính quyền, xã hội để đẩy lùi hủ tục lạc hậu trong đồng bào vùng núi nơi đây./.