Thứ Bảy, 12/07/2025 13:18 GMT+7
  • ANTV
  • Hotline: 0692324026
  • Email: news@antv.gov.vn

Nhân Văn - Tin Cậy - Kịp Thời - Hấp dẫn

Sự kiện

Xã hội

Chuyện chữ “P” và học tiếng Việt

(ANTV) - Chuyện bắt đầu từ lá thư của nhà giáo Đào Quốc Vịnh gửi Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, “phát hiện” trong sách giáo khoa lớp 1 (cụ thể là bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) chữ “p” trong bảng 29 chữ cái tiếng Việt chỉ được dạy khi kết hợp với chữ “h” thành chữ “ph” đọc là “phờ”. 

Ông cho rằng, sách giáo khoa cho học sinh phổ thông, nhất là cấp tiểu học phải có tính phổ quát tới 54 dân tộc Việt Nam, chữ “p” có trong bảng chữ cái tiếng Việt mà không được dạy như một âm độc lập là sai sót khó chấp nhận.

Ngay sau đó, Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng, Tổng chủ biên bộ sách tiếng Việt lớp 1 đã lên tiếng khẳng định, trong sách giáo khoa nói trên, chữ “p” và âm “pờ” vẫn được dạy như trong phần đánh vần ở cuối các âm tiết như op, ốp... hay ep, ếp… và trong những từ như lốp xe, cặp da, cá mập...

Sở dĩ sách giáo khoa dạy như ghép với “h” thành “ph” mà không dạy riêng âm “p” vì trong tiếng Việt nó ít xuất hiện ở đầu âm tiết. Hơn nữa từ ứng dụng để học sinh tập đọc âm này người biên soạn phải dùng những từ ngoại lai như “pi-a-no” (piano), pa-nô (pano)..., với học sinh mới bước vào lớp 1 mà đọc và hiểu nghĩa là không phù hợp.

Ngoài ra, nếu dùng từ như Sa Pa làm thí dụ thì các em lại chưa được học chữ “s” (trong bảng chữ cái tiếng Việt “p” đứng trước “s”).

Theo chúng tôi, tiếng Việt trải qua quá trình phát triển lâu dài chịu sự tác động của các yếu tố lịch sử, văn hóa, thời đại đã có sự vay mượn ngôn ngữ của nước ngoài và có những từ không thể thay thế hoặc đã được Việt hóa tới mức yếu tố ngoại lai trở nên mờ nhạt.

Thực ra, trong bộ Kết nối tri thức với cuộc sống còn có chữ “q” cũng không được dạy âm như một chữ cái độc lập mà phải kết hợp với chữ “u”, đọc là “quờ”.

Với chữ “q” thì không vấn đề gì, vì trong tiếng Việt không có từ nào bắt đầu hoặc kết thúc bằng chữ cái này. Nhưng với chữ “p” thì lại khác, có khá nhiều từ bắt đầu bằng âm “pờ”, chủ yếu là từ ngoại lai đã được Việt hóa từ lâu, hoặc những từ là tiếng dân tộc khá phổ thông như “pa” có nghĩa là “cha” trong tiếng Tày.

Với chữ “p” khi đứng trong một từ độc lập hoặc ghép từ như “pin” hay “đèn pin”, “sạc pin” đã quen thuộc như nhiều từ thuần Việt.

Không nên cho rằng những từ như “pi-a-nô”, “pa-nô” hay “pa-tanh”, “pa-tê” là khó với học sinh lớp 1, bởi ngay những từ khá mới như com-piu-tơ (computer), in-tơ-nét (internet), phây-búc (facebook)... trẻ em còn thông thạo hơn nhiều người lớn tuổi.

Chức năng quan trọng nhất của chữ cái là ghi lại chính xác âm của lời nói, cho dù trong nhiều ngôn ngữ “nói một đằng, viết một nẻo” khiến người ta phải đưa ra những quy ước nhất định, chứng tỏ sự giới hạn chức năng “âm” của chữ.

Trong những lần tham gia chương trình “Vua tiếng Việt” - một gameshow truyền hình rất thú vị về tiếng Việt, chúng tôi nhận thấy phần nghe đọc rồi viết lại từ là câu đố không dễ với những thí sinh nhỏ tuổi, đặc biệt là thí sinh người nước ngoài.

Bên cạnh việc chưa thông thạo ngữ pháp thì điều quan trọng là người thi không nắm vững cách phát âm của chữ cái. Trong trường hợp này, chúng tôi liên tưởng đến việc bỏ qua không dạy âm “p” một cách trọn vẹn thì sẽ làm khó cho học sinh khi viết tên các địa danh nổi tiếng như Sa Pa, Pắc Bó... hoặc tên người như nhà thơ Pờ Sảo Mìn, người dân tộc Pa Dí...

Nếu trong ngôn ngữ viết của chúng ta thiếu chữ cái nào đó để mô tả chính xác từ tiếng Việt thì đành phải chịu, chứ có mà không dạy hoặc chưa dạy vì sợ nó khó với các em học sinh nhỏ tuổi là điều những người biên soạn cần cân nhắc thận trọng. Hơn nữa, với việc học chữ, những từ càng khó thì càng nên được dạy sớm để người học, nhất là học sinh tiểu học làm quen và dần nắm vững.

Tiếng Việt, dù là thuần Việt hay có yếu tố ngoại lai thì đều là tài sản ngôn ngữ của dân tộc Việt Nam.

Xin được nhắc lại lời của dịch giả Nguyễn Thụy Ứng khi ông viết về cái thần tình của tiếng Việt: “Một thứ tiếng giản dị lạ lùng, trong đó các từ hoàn toàn không có phụ đầu, biến vĩ; danh từ không có giống đực, giống cái, giống trung, số nhiều, số ít; động từ không biến theo thời, thái; tính từ không có thể so sánh, thể tối cao; thậm chí các hư từ như giới từ, liên từ cũng rất ít dùng thế mà vẫn phản ánh trọn vẹn tất cả các khái niệm, phạm trù và quan hệ lô-gic cần thiết, bảo đảm đầy đủ hiệu quả thông tin để tất cả các thế hệ dân tộc ta trong mấy chục thập kỷ có thể cùng nhau bàn bạc làm ăn, nuôi dạy con cái, xây dựng và gìn giữ đất nước, lại có đủ tính khoa học để viết về tất cả các môn khoa học chính xác, đủ chất thơ để nuôi dưỡng tâm hồn toàn dân hoàn thành những sự nghiệp đòi hỏi một nghị lực và óc tưởng tượng phi thường...”.

Xin hãy thận trọng, khoa học và chính xác để dạy cho các em học sinh của chúng ta học được cái thần tình ấy.

(Theo: Báo Nhân Dân)

Tin mới nhất

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc thảo luận về chính sách thuế và an ninh khu vực

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc thảo luận về chính sách thuế và an ninh khu vực

Thế giới 12/07/2025

(ANTV) - Ngày 11/7, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tổ chức cuộc hội đàm cấp cao ba bên, bên lề các cuộc họp ngoại trưởng ASEAN tại Malaysia, trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về việc mức thuế nhập khẩu mới của Mỹ (dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/8) có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế xuất khẩu của Seoul và Tokyo.

Hung thủ giết người, cướp xe sa lưới

Hung thủ giết người, cướp xe sa lưới

Pháp luật 12/07/2025

(ANTV) - Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đang tạm giữ hình sự đối tượng Hoàng Thành Công (20 tuổi) quê tỉnh Gia Lai để điều tra làm rõ hành vi giết người, cướp tài sản. Công là đối tượng nghiện ma túy không có nghề nghiệp.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ

Nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ

Thế giới 12/07/2025

(ANTV) - Tăng cường thương mại khu vực, hợp tác với các đối tác thân thiện và tối đa hóa việc sử dụng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là các vấn đề nằm trong những chiến lược mà Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ theo đuổi để ứng phó với tác động tiêu cực do căng thẳng thương mại gây ra. Đây là nội dung thông cáo chung được công bố ngày 11/7 tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 ( AMM-58) diễn ra ở Kuala Lumpur, Malaysia.

Áp lực thi cử - gánh nặng tuổi học trò

Áp lực thi cử - gánh nặng tuổi học trò

Xã hội 12/07/2025

(ANTV) - Kỳ thi – hai từ ngắn gọn nhưng lại khiến hàng triệu học sinh trên cả nước phải thức trắng đêm, ôn luyện trong căng thẳng và lo lắng. Dù thi cử là một phần tất yếu của quá trình học tập, nhưng áp lực mà nó mang lại đang trở thành một vấn đề đáng lo ngại.

Hồi sinh cuộc đời từ một nơi tạm lánh mang tên “ngôi nhà bình yên”

Hồi sinh cuộc đời từ một nơi tạm lánh mang tên “ngôi nhà bình yên”

Xã hội 12/07/2025

(ANTV) - Có những nỗi đau không thể gọi tên, có những ký ức người ta chỉ muốn chôn sâu vào một góc khuất của đời mình. Nhưng cũng có những nơi không hỏi “vì sao”, không cần lời giải thích mà chỉ lặng lẽ mở cửa, đón một người trở về. Trong cuộc chiến chống lại tội phạm mua bán người, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an, còn có những “ngôi nhà bình yên”.

Tạm giữ hình sự nhóm "cò mồi" tại cổng BV Phụ sản Trung ương và Bệnh viện K

Tạm giữ hình sự nhóm "cò mồi" tại cổng BV Phụ sản Trung ương và Bệnh viện K

Pháp luật 12/07/2025

(ANTV) - Ngày 11/7, Công an thành phố Hà Nội cho biết, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an thành phố đã tạm giữ hình sự 3 đối tượng gồm Nguyễn Thị Thu Hương, Lê Công Ngôi và Nguyễn Văn Tâm, cả 3 cùng trú tại Hà Nội để điều tra về hành vi vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.

Xem thêm