(ANTV) - Chỉ còn ít ngày nữa, hàng nghìn phạm nhân trên khắp cả nước sẽ được Chủ tịch nước ký quyết định đặc xá. Ra tù sau khi chấp hành án, có việc làm ổn định là mong mỏi của nhiều phạm nhân, cũng là một trong những mục tiêu quan trọng của công tác đặc xá. Những năm qua, nhờ thường xuyên mở các lớp đào tạo nghề nghiệp trong trại giam mà nhiều cánh cửa được mở lại, giúp những người từng lầm lỡ có cuộc sống tốt sau khi được tái hoà nhập với cộng đồng.
Với mức án 60 tháng tù giam, do ý thức chấp hành tốt, có nhiều cố gắng trong quá trình cải tạo và học tập, sau 34 tháng, phạm nhân Nguyễn Thị Hương là 1 trong các trường hợp đủ điều kiện để xét, đề nghị đặc xá năm 2022. Trong thời gian chấp hành án tại giam Hoàng Tiến, phạm nhân này đã được tích cực học tập, trở thành lao động có tay nghề giỏi trong lĩnh vực may mặc.
Không chỉ có phạm nhân Nguyễn Thị Hương mà nhiều phạm nhân khác ở nơi cũng đã sẵn sàng trở lại cuộc sống thường ngày với công việc mà họ học được trong trại giam. Để trở thành một người thợ lành nghề, những phạm nhân này đã phải trải qua nhiều thời gian đào tạo. Việc dạy nghề, học nghề luôn phải đảm bảo yếu tố thực chất.
Dạy nghề cho phạm nhân và bảo đảm việc làm cho người mãn hạn tù là vấn đề mang tính nhân đạo sâu sắc, là cầu nối giúp các phạm nhân tự tin hơn khi trở lại cuộc sống ngoài xã hội. Bên cạnh công tác dạy nghề, Ban Giám thị và Hội đồng đặc xá của đơn vị đã tổ chức phổ biến các quy định của pháp luật và tiến hành nhiều biện pháp để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những trường hợp được đặc xá lần này tái hòa nhập cộng đồng.
Dẫu biết sẽ có nhiều khó khăn, trở ngại, thế nhưng, với những gì đã được trang bị trong trại giam, cùng sự đồng hành của người thân, chính quyền và toàn xã hội, các phạm nhân sẽ đi đúng trên con đường hoàn lương. Họ sẽ trở thành những người tốt, sống thiện lương bằng chính mồ hôi, công sức lao động của mình.