(ANTV) - “Từ năm 2014 đến 6 tháng đầu năm 2019, lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát hiện, xử lý hơn 100 nghìn vụ vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm, khởi tố gần 1.400 vụ” - Đó là những con số đáng báo động được đưa ra tại hội nghị Tổng kết 5 năm thực hiện công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm của lực lượng Cảnh sát môi trường vừa diễn ra sáng 30/7, tại Hà Nội.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, số vụ, đối tượng vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm bị phát hiện xử lý năm sau luôn cao hơn năm trước. Các đại biểu cũng nhận định, tội phạm trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Vì vậy, thời gian tới, lực lượng Cảnh sát môi trường sẽ đẩy mạnh đổi mới các mặt công tác nghiệp vụ; tập trung nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo những cơ sở pháp lý cần thiết để nâng cao hiệu quả đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật.
Bên cạnh đó sẽ phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm để tăng cường công tác phòng, chống tội phạm. Phát hiện những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước, các yếu tố là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm để kiến nghị, khắc phục, giải quyết. Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tổng kiểm tra gần 300 trường hợp trên hồ Hòa Bình và tuyến sông Đà
Sáng 30/7, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Cảnh sát giao thông và Cục Đăng kiểm Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Tổng kết Kế hoạch phối hợp liên ngành cao điểm kiểm tra lễ hội và bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy trên hồ Hòa Bình và tuyến sông Đà từ Km33 đến Km58.
Sau một tháng triển khai, lực lượng liên ngành đã tổng kiểm tra và lập biên bản kiểm tra 288 trường hợp; lập biên bản xử lý vi phạm hành chính 66 trường hợp phương tiện vận tải hành khách, khai thác cát, sỏi và cảng bến thủy nội địa vi phạm pháp luật về giao thông đường thủy nội địa; xử phạt hành chính hơn 200 triệu đồng; Lực lượng liên ngành đã bàn giao phương tiện và người vi phạm cho Công an tỉnh Hòa Bình thụ lý và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Cũng trong đợt kiểm tra này, lực lượng chức năng cũng đã yêu cầu các chủ cảng, bến thủy nội địa không tiếp nhận phương tiện không đảm bảo an toàn vào hoạt động tại cảng, bến thủy nội địa; sắp xếp hàng vào cảng, bến, lên, xuống phương tiện trật tự, an toàn; bổ sung các trụ neo tại cảng, bến cho phù hợp với mực nước để neo, buộc phương tiện.