(ANTV) - Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE cùng Tổng thầu Nhật Bản vừa đề xuất lập quy hoạch hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm chống ùn tắc chạy dọc sông Tô Lịch. Dự kiến, dự án sẽ sử dụng nguồn vốn viện trợ từ phía Nhật Bản, không phải dự án BOT, do đó người dân được dùng miễn phí.
Đề xuất xây đường hầm cao tốc dưới sông Tô Lịch: Táo bạo nhưng có khả thi?
Cụ thể, công ty JVE đề xuất xây dựng một hệ thống cao tốc ngầm được thiết kế theo tiêu chuẩn Nhật Bản với 2 tầng độc lập dành cho 2 chiều xe chạy. Bên dưới đường cao tốc ngầm sẽ là một hệ thống chống ngập khổng lồ. Dự án được đề xuất với mong muốn giải quyết 3 vấn đề dân sinh của Thủ đô Hà Nội, bao gồm: Ô nhiễm môi trường nước, ùn tắc giao thông nội đô xảy ra hàng ngày và úng ngập khi mưa bão.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu đầu tư dự án này thì phải đầu tư số vốn rất lớn. Trong khi đó, trục đường Láng hiện chưa phải là rốn thoát lũ, nên hiệu quả sẽ không cao và chưa cần thiết. Do đó, cần phải đánh giá lại toàn bộ hồ và các sông thoát nước của Hà Nội trước khi xây dựng dự án. Hơn nữa, vấn đề thoát lũ và giao thông tại khu vực này đang ổn định.
Dừng tổ chức lễ hội, nghi lễ không mất thiêng
Từ đầu Xuân Tân Sửu đến nay, tất cả các lễ hội lớn nhỏ trên toàn quốc đều không tổ chức. Nhiều người lo lắng, dừng hội thì hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ trong cả nước có bị mất thiêng, giảm giá trị di sản mang nhiều nét riêng biệt của Việt Nam?
Hiện Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Dương, Quảng Ninh… đã đóng cửa tất cả di tích và cơ sở thờ tự vì dịch Covid-19. Theo Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Thị Vân Anh mặc dù Hà Nội tạm dừng tổ chức lễ hội nhưng các nghi lễ tâm linh không vì thế mà đứt đoạn. Các cơ quan quản lý chỉ không tổ chức phần hội, không mở cửa đón du khách, tránh tình trạng tập trung đông người; còn các nghi lễ truyền thống vẫn được thực hiện cùng đại diện chính quyền địa phương và các cụ cao niên trong làng.
Trong khi đó, TS Bùi Hoài Sơn Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia cho rằng lịch sử lễ hội đã từng bị tạm dừng do chiến tranh, rồi lại được nối lại trong điều kiện kinh tế - xã hội ổn định. Chính vì thế việc tạm dừng do điều kiện dịch bệnh không phải là nguyên nhân của sự phai nhạt văn hóa.
Sẵn sàng điều chỉnh thời gian học và thi
“Sẵn sàng điều chỉnh thời gian học và thi”, Báo Đại đoàn kết dẫn lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ khẳng định, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cần sẵn sàng các kịch bản ứng phó, trong đó lưu tâm tới việc điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học, thi tốt nghiệp THPT.
Theo đại diện Bộ GDĐT, cùng với việc tổ chức dạy học trực tuyến để “ngừng đến trường nhưng không ngừng học” thì các trường vẫn còn quỹ thời gian hai tuần dự phòng. Vì thế, nếu sau ngày 28/2 học sinh các địa phương có thể quay lại trường học thì kế hoạch thời gian năm học vẫn có thể duy trì như quy định của Bộ GDĐT. Nếu dịch bệnh kéo dài và tháng 3/2021 học sinh các cấp vẫn chưa thể trở lại trường học thì Bộ sẽ điều chỉnh, lùi thời gian kết thúc năm học. Lịch thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh đầu cấp ở các địa phương cũng sẽ phải điều chỉnh.
Tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ nông sản ở Hải Dương
Bộ Công thương vừa chính thức có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19.
Cụ thể, Bộ Công thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế có hướng dẫn thống nhất về lưu thông người, hàng hóa, phương tiện giữa địa phương có dịch với các địa phương khác, tránh việc mỗi địa phương tự áp dụng một cách như hiện nay. Đồng thời, chỉ đạo và huy động các đơn vị có năng lực xét nghiệm Covid 19 hỗ trợ các tỉnh có dịch, bảo đảm phục vụ tối đa nhu cầu xét nghiệm của đội ngũ lái xe, áp tải hàng hóa trong thời gian ngắn nhất nhằm hạn chế tối đa ách tắc lưu thông hàng hóa từ vùng dịch ra ngoài.
Bộ Công thương cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế là đầu mối, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo thống nhất các đơn vị chuyên ngành tại địa phương có dịch Covid 19 trong việc xác nhận hàng hóa, nông sản an toàn dịch bệnh.