(ANTV) - Cũng giống như Đại hội XIII, công tác nhân sự của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu HĐND các cấp tiếp tục là nội dung mà các thế lực thù địch, phản động tập trung chống phá nhằm thực hiện những động cơ, mục đích đen tối. Bài viết trên Báo Lao động số ra ngày hôm nay 17/4.
Đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc công tác nhân sự bầu cử Quốc hội
Báo Lao động: Theo thông tin, thông qua mạng xã hội và một số diễn đàn tiếng Việt có địa chỉ ở nước ngoài, các thế lực thù địch, phản động đăng phát nhiều tin, bài xuyên tạc về công tác nhân sự bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp. Chúng trắng trợn nói rằng, việc sắp xếp nhân sự trong Đảng cũng như trong Quốc hội là sự “thương lượng”, “thỏa hiệp” giữa các “phe cánh”. Chúng cố tình xuyên tạc rằng cách làm nhân sự ở Việt Nam là không dân chủ, thiếu khách quan, minh bạch; việc sắp xếp, điều chỉnh, bổ sung nhân sự không vì lợi ích tập thể mà chỉ nhằm “thanh trừng bè phái”, “đấu đá nội bộ”... Chúng tiếp tục bịa đặt, dựng chuyện nói xấu, bôi nhọ nhằm hạ thấp uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cán bộ cấp cao của Đảng được giới thiệu tham gia ứng cử ĐBQH.
Thực tế, những giọng điệu tuyên truyền xuyên tạc công tác nhân sự bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp là hết sức thâm hiểm, nhưng dù thế nào đi chăng nữa chúng cũng không thể phủ nhận được thực tế. Công tác nhân sự ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp đã và đang được Đảng ta lãnh đạo tiến hành một cách khoa học, bài bản, khách quan, toàn diện, minh bạch, chặt chẽ, bảo đảm công bằng, đúng pháp luật. Những kết quả bước đầu của công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã chứng minh trong điều kiện mới, Đảng ta tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của công tác nhân sự và đang làm tất cả để nâng cao chất lượng ĐBQH, đại biểu ĐND các cấp; kiên quyết không để lọt vào Quốc hội và HĐND các cấp những đại biểu không đủ tiêu chuẩn.
Làn sóng Covid-19 thứ 3 chặn đà phục hồi thị trường lao động
Báo Đại biểu nhân dân: Tại buổi họp báo thông tin về tình hình lao động, việc làm quý I, đại diện Tổng cục Thống kê cho biết, dịch Covid-19 bùng phát lần ba đã ảnh hưởng đáng kể đến thị trường lao động việc làm. Trong quý I, cả nước vẫn có 9,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Thông tin trên báo Đại biểu nhân dân.
9,1 triệu người bị mất việc, giãn việc Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) Phạm Hoài Nam cho biết, trong quý I, thị trường lao động đã hứng chịu những tác động xấu do sự bùng phát lần thứ 3 của đại dịch Covid-19. Cụ thể, cả nước có 9,1 triệu người bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19.
Có 540 nghìn người bị mất việc; 2,8 triệu người phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh; 3,1 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên và 6,5 triệu lao động báo cáo bị giảm thu nhập. Điểm sáng đáng lưu ý nhất là thu nhập của người lao động tăng nhẹ so với quý trước và cùng kỳ năm 2020.
Tranh cãi việc quản lý 2.800 tỉ đồng/năm vốn bảo trì hạ tầng đường sắt: 11.000 lao động nguy cơ không được trả lương
Báo Lao động: Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vừa buộc phải ra văn bản “kêu cứu” gửi Thủ tướng Chính phủ trước tình cảnh không có tiền trả lương cho hơn 11.000 lao động, gồm công nhân tuần đường, gác chắn, duy tu, bảo trì, sửa chữa nhỏ.
Thông tin cho biết, theo dự toán hằng năm, phần vốn ngân sách dành cho bảo trì cho ngành Đường sắt là 2.800 tỉ đồng, nhưng tới thời điểm này vẫn chưa được giao về Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khiến đơn vị rơi vào cảnh nợ lương, hết tiền chạy tàu.
Nếu vấn đề này tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng người sẽ chấm dứt HĐLĐ, bỏ việc… do không có nguồn chi trả tiền lương, khi đó không chỉ ảnh hưởng hết sức lớn đến 11.315 CNLĐ tại 20 doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ công ích của ngành đường sắt mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn vận tải ĐS, hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn ngành và việc làm, đời sống của hơn 26.000 CNLĐ ngành ĐSVN.