(ANTV) - Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đưa ngành kinh tế số Đà Nẵng đạt 20% GRDP theo mục tiêu của quốc gia về chuyển đổi số, tức là tối thiểu 90% doanh nghiệp phải có tài khoản thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Vì vậy, các doanh nghiệp tại Đà Nẵng đang chọn hướng đi mới, chuyển dần sang nền kinh tế số để tăng năng suất lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao, cung ứng sản phẩm theo chuỗi toàn cầu.
Thay đổi tư duy, tái cơ cấu lại hoạt động, toàn bộ dữ liệu của các đơn vị thành viên đều chuyển sang mô hình quản trị nhân sự số hóa là ứng dụng chuyển đổi số được Tập đoàn VN Đà Thành áp dụng trong 2 năm qua. Với sự kết nối đồng bộ trên nền tảng số sẽ đem lại tiện ích trong điều hành, đầu tư, quy trình sản xuất, kết nối giao dịch với khách hàng...từ đó, mang lại hiệu của cho doanh nghiệp trước tác động của dịch bệnh. Đây cũng là giải pháp được nhiều doanh nghiệp lựa chọn trong giai đoạn duy trì hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế.
Hiện, Đà Nẵng có khoảng 2.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin với 40.000 lao động, số lượng doanh nghiệp tăng trung bình 35%/năm. Doanh thu ngành công nghiệp công nghệ thông tin giai đoạn 2015-2020 tăng trưởng bình quân 20%/năm, đóng góp 7,5% GRDP thành phố. Đơn cử, sắp tới đây, Đà Nẵng sẽ xuất xưởng một lô hàng máy tỉnh bảng hơn 100.000 chiếc, mang thương hiệu "Made in Danang" sang thị trường Hàn Quốc. Điều này cho thấy việc đầu tư công nghệ thông tin trong nền kinh tế số là hướng đi tiềm năng.
Định hướng mục tiêu phát triển đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ hướng đến phát triển Kinh tế số trong lĩnh vực du lịch, tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics. Là địa phương nhiều năm liền đi đầu cả nước về chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin nên nhiều doanh nghiệp sẽ có thuận lợi nhất định trong việc triển khai thực hiện. Đây là hướng đi mới đầy triển vọng trong mục tiêu chuyển đổi số của quốc gia.