(ANTV) - Càng về gần dịp Tết Nguyên Đán, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên các tuyến biên giới và thị trường nội địa diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi của các đối tượng. Trong đó ở đường bộ nổi cộm là các địa bàn trọng điểm khu vực biên giới.
Khu vực biên giới, địa phận giáp ranh giữa địa bàn tỉnh An Giang và Campuchia. Lợi dụng đêm tối, hàng loạt các ghe, thuyền chở hàng lậu tấp nập lưu thông vận chuyển hàng.
Mới đây, chỉ một cuộc tấn công bất ngờ của lực lượng chức năng, các đối tượng vận chuyển hàng lậu tháo chạy nháo nhác như “bầy ong vỡ tổ”.
Số lượng lớn về đường cát, quần áo, đồ điện tử đã qua sử dụng, mỹ phẩm...trên ghe thuyền, trong các kho hàng cùng các đối tượng trên địa bàn An Giang đã bị tạm giữ. Tuy nhiên, để triệt phá những đường dây, ổ nhóm buôn lậu này không hề đơn giản.
Thượng tá Khưu Thanh Triều, Tiểu đoàn trưởng Cảnh sát đặc nhiệm số 2 – Bộ Công an cho biết: "Đêm hôm, chúng tôi đã triển khai nhiều mũi tấn công, không cho các đối tượng tẩu thoát, sáng nay thì bắt tiếp các kho hàng."
Trong khi đó, Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, Quảng Trị. Những chiếc xe máy không biển kiểm soát chở hàng lậu đi vận tốc cao. Bất chấp sự có mặt lực lượng chức năng, những chuyến hàng chở thuốc lá và rượu lậu ngang nhiên vượt qua.
Chưa kể, để vận chuyển trót lọt, các đối tượng tổ chức người cảnh giới lại lực lượng chức năng. Điều này gây không ít khó khăn trong việc xử lý của các lực lượng thực thi.
Ông Nguyễn Thành Quang-Đội phó Đội kiểm soát Hải quan Lao Bảo Quảng Trị cho biết: "Khi chúng tôi ra hiệu lệnh dừng xe thì họ không tuân thủ hiệu lệnh mà còn lãng lách đánh võng cản trở, rất nguy hiểm và tiểm ẩn tai nạn giao thông rất cao."
Một khi những hàng hóa này được thẩm lậu vào nội địa lợi nhuận thu được khá lớn. Chính vì vậy, các đối tượng vi phạm sẽ không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào để buôn lậu. Mặc dù rất nhiều vụ đã bị lực lượng chức năng xử lý, tuy nhiên, công tác chống buôn lậu vẫn còn nhiều cam go trên địa bàn các tỉnh biên giới.
Càng về dịp cuối năm, nhu cầu, sức mua càng cao, số lượng hàng hóa tiêu thụ tăng đột biến. Không chỉ có tình trạng buôn lậu, trên thị trường nội địa, lợi dụng thời điểm này, các đối tượng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái gia tăng hoạt động, thu lời bất chính. Tình trạng này cũng đang khiến cho thị trường trong nước nhiễu loạn, khiến không ít doanh nghiệp chân chính gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới quyền lợi người tiêu dùng.
Cơ sở sản xuất ô mai, hạnh nhân, mứt hoa quả, bò khô tại Hoài Đức, Hà Nội làm giả thương hiệu uy tín. Các loại bánh kẹo, rượu bia, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc tại Khánh Hòa.
Từ những mặt hàng có mức tiêu thụ cao, uy tín những cơ sở làm ăn phi pháp không ngần ngại làm giả, làm nhái sản phẩm này có hình thức tương tự tung ra thị trường để hưởng lợi.
Trung tá Võ Quang Tấn, Đội trưởng Đội, phòng CSKT, Công an Khánh Hòa cho biết: "Dịp này các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại,buôn bán hàng cấm, hàng giả diễn biến khá phức tạp. nổi lên là các hàng hóa vi phạm chủ yếu là bia rượu, nước giải khát, mỹ phẩm, thực phẩm chắc năng, thuốc lá điếu, hàng điện tử."
Không chỉ các loại bánh kẹo, rượu bia, thực phẩm phục vụ tết, ngay cả loại thực phẩm chức năng này cũng đang bị làm giả ngoài thị trường. Điều này không chỉ ảnh hưởng người tiêu dùng mà còn gây khó khăn cho doanh nghiệp. Để giảm thiểu rủi ro, trước khi chờ đợi có sự vào cuộc cơ quan chức năng, bản thân doanh nghiệp cần có biện pháp đối phó.
Bà Lê Thị Hồng Nhung, Tổng Giám đốc Công ty MATXI S.G cho biết: "Vấn đề về hàng giả, hàng nhái thì công ty chúng tôi vấp phải. Chúng tôi liên tục thay đổi, kèm theo tem chống hàng giả."
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho biết: "Phương thức sản xuất hàng giả bây giờ khá là chuyên nghiệp hình thành những dây chuyền, những chuỗi. Sản xuất hàng giả, bao bì nhãn mác ở một nơi, sản xuất bán thành phẩm."
Trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, năm 2018, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 203.000 vụ việc vi phạm, thu nộp NSNN đạt trên 20.000 tỷ đồng. Trong đó, Lực lượng Công an đã phát hiện, xử lý gần 7.000 vụ việc; khởi tố hình sự 1.000 vụ, gần 1.300 đối tượng.
Mặc dù, đạt được kết quả tích cực trong công tác đấu tranh, xử lý các loại vi phạm trong hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tuy nhiên, để đấu tranh triệt để hơn nữa không phải là câu chuyện một sớm, một chiều và là thách thức không nhỏ trong năm tới. Bởi, ngoài hoạt động ngày càng tinh vi, thủ đoạn của các đối tượng thì các vấn đề về pháp lý, chế tài hay trách nhiệm người đứng đầu vẫn đang là một bài toán cần có lời giải.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Luật BASICO cho biết: "Với cách làm như cũ, tôi nghĩ rất khó để phòng chống buôn lậu. Chúng ta cần áp dụng giải pháp công nghệ."
Trung tá Võ Quang Tấn, Đội trưởng Đội , phòng CSKT, Công an Khánh Hòa cho biết: "Thời gian tới chúng tôi tiếp tục tập trung phối hợp với lực lượng chức năng, công an các địa phương để đấu tranh triệt phá các tổ chức, đường dây, ổ nhóm buôn lậu, sản xuát và buôn bán hàng giả, hàng cấm."
Ông Trần Hữu Linh cho biết: "Chúng tôi sẽ trình Chính phủ một nghị định mới, trong đó tập trung vào chế tài mới."
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia nhấn mạnh: "Về phòng chống tội phạm, buôn lận, gian lận thương mại và hàng giả. Xác định các lĩnh vực công tác này là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên của tất cả các bộ, ngành, địa phương; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, nếu trên địa bàn nào để xảy ra các vụ việc nghiêm trọng phức tạp kéo dài về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hang giả hoặc có cán bộ công chức yếu kém, tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển, bố trí công tác khác đối với những người vi phạm."