(ANTV) - Tháng 3 vừa qua, giá điện tăng 8,36%, đến đầu tháng 4 năm nay, giá xăng RON95 cũng tăng thêm 1.484 đồng/lít. Điện, xăng đồng loạt tăng giá gây áp lực cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Cùng với đó, các mặt hàng, dịch vụ trên thị trường cũng tăng theo, đây chính là lo lắng chung của người lao động, đặc biệt là người lao động có thu nhập thấp.
Đã 1 tháng nay, gia đình anh Nguyễn Đình Long, ở phường Mễ Trì Thượng, Nam Từ Liêm, Hà Nội đã hạn chế các thiết bị sử dụng điện. Anh Long cho biết, điện, xăng đồng loạt tăng giá trong khi thu nhập rửa xe tại cửa hàng không tăng nên mọi chi phí sinh hoạt đều phải tính toán.
Theo các chuyên gia kinh tế, việc giá điện, giá xăng dầu đồng loạt tăng giá cao hơn 8% sẽ tác động đến toàn bộ nền kinh tế, nhất là những ngành tiêu tốn nhiều điện như sản xuất thép, xi măng, thủy sản, vận tải dẫn đến giá cả dịch vụ và nhu yếu phẩm tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội của người tiêu dùng.
Cùng với giá xăng, giá điện tăng, một hệ lụy khác khó tránh khỏi chính là chỉ số giá tiêu dùng. Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2019 tăng 0,31%, ảnh hưởng đến mục tiêu “kiểm soát lạm phát dưới 4%” trong cả năm mà Quốc hội đề ra hồi tháng 1/2019.
Tâm lý người dân và doanh nghiệp không ai muốn tăng giá điện cũng như gía xăng dầu… Tuy nhiên, để cân đối nền kinh tế đa chiều, thì việc tăng giá điện cũng như giá xăng là cần thiết. Các chuyên gia kinh tế cũng cảnh báo, việc điều chỉnh giá điện cũng như các mặt hàng khác trong năm nay phải tương đối cân nhắc để đảm bảo không dồn việc tăng giá nhiều trong một năm, bởi như thế sẽ dẫn đến bất ổn đối với nền kinh tế.