(ANTV) - Một trong những từ được dư luận nhắc đến nhiều nhất tuần qua là "giá điện". Theo quyết định của Bộ Công thương, kể từ ngày 20/3, giá điện chính thức tăng 8,36%. Giá bán lẻ điện bình quân sẽ là hơn 1.864 đồng/kWh. Việc tăng giá điện lần này sẽ có những tác động không nhỏ tới người dân cũng như doanh nghiệp.
Cơ sở sản xuất các thiết bị khung nhôm kính của gia đình anh Quyết, trung bình mỗi tháng tiêu thụ hết hơn 1000 số điện. Vì là nhà đi thuê nên mỗi số điện anh Quyết phải chi trả với mức giá 5000 đồng. Giá điện tăng khiến chi phí sản xuất mỗi sản phẩm cũng tăng theo.
Anh Nguyễn Mạnh Quyết, Chủ cơ sở sản xuất khung nhôm kính cho biết: "Sau khi Bộ Công thương có quyết định tăng giá điện thêm 8,36% kể từ ngày 20/3, tính ra như vậy mỗi tháng tôi sẽ hết khoảng hơn 2 triệu tiền điện. Nói chung về nguồn thu của mình thì tất cả mọi thứ nó đều phải tăng lên theo ví dụ như những đồ mình nhập cho khách hàng thì mình phải điều chỉnh lại giá."
Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cho biết hóa đơn tiền điện của mỗi gia đình dự kiến sẽ tăng thêm khoảng từ 7.000 đến 77.000 đồng mỗi tháng khi giá bán lẻ điện bình quân tăng lên 8,36%. Tuy nhiên, đối với những hộ gia đình sử dụng điện nhiều, thì số tiền phải chi trả hàng tháng sẽ tăng không hề nhỏ. Nhiều người cũng lo lắng giá điện tăng sẽ dẫn tới giá cả các mặt hàng khác cũng tăng theo.
Anh Nguyễn Đình Long, người dân Hà Nội cho biết: "Nhà tôi một tháng hết khoảng 6 triệu tiền điện, bây giờ tăng chắc mỗi tháng sẽ lên trên 7 triệu. Mỗi tháng như vậy sẽ mất thêm một phần thu nhập như vậy chi phí hàng tháng sẽ phải giảm đi. Các mặt hàng khác chắc chắn tăng theo giá điện. Tôi cũng nghĩ nhà nước nên điều chỉnh giá điện phù hợp để người dân đỡ ảnh hưởng cuộc sống."
Anh Tống Văn Dũng, Quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: "Việc tăng giá điện như thế này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới cuộc sống của không chỉ riêng gia đình tôi. Điện tăng, xăng tăng thì rau củ thịt thà chắc chắn sẽ tăng, thuê nhà chắc chắn cũng sẽ tăng."
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân của việc tăng giá điện lần này là do giá đầu vào của điện như dựa trên các yếu tố đầu vào như than, khí đều tăng giá, ngoài ra còn chênh lệch tỷ giá còn treo trước đây.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết: "Việc điều hành giá điện năm 2019 được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, đảm bảo nguyên tắc giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước và phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước."
Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tăng giá chắc chắn có tác động đến đời sống của người dân nói chung. Tất nhiên không chỉ tác động trực tiếp mà còn tác động gián tiếp bởi các hàng hóa khác. Để kiềm giữ được vòng xoáy tăng giá, đặc biệt là tăng giá kiểu “té nước theo mưa” một cách ồ ạt là một bài toán phức tạp.
Điện có lẽ là mặt hàng duy nhất mà người tiêu dùng sử dụng càng nhiều thì càng phải mua giá cao hơn. Để đảm bảo ổn định cuộc sống, người dân và doanh nghiệp có lẽ sẽ phải tự mình tính toán, áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện, tránh lãng phí. Đặc biệt với các doanh nghiệp về lâu dài cần phải tính đến việc thay đổi công nghệ theo hướng hiện đại, sử dụng ít năng lượng hơn để giảm thiểu chi phí sản xuất.