(ANTV) - Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 6 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt 1,4 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng nói, EU - một trong những thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam đạt hơn 300 triệu USD, giảm gần 26% so với cùng kỳ năm 2018. Mỹ là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ 3 của Việt Nam giảm 2%, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc cũng giảm 4,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù 6 tháng qua, xuất khẩu tôm gặp nhiều khó khăn, song Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam kỳ vọng, trong thời gian tới, ngành tôm Việt Nam có thể phục hồi xuất khẩu sang thị trường EU nhờ tác động tích cực của hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA).
Cùng với việc tận dụng các lợi thế từ các FTA thế hệ mới, các chuyên gia trong ngành khuyến cáo, các doanh nghiệp nên chủ động tiếp cận thông tin về các Hiệp định thương mại tự do để lựa chọn các ưu đãi phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp. Cùng với đó, phải thay đổi công nghệ, định hướng phát triển sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường nhập khẩu; việc xây dựng thương hiệu cho tôm Việt cần được các doanh nghiệp đặc biệt chú ý; cần đảm bảo về thời gian giao hàng, chất lượng, mẫu mã của sản phẩm.
Các chuyên gia cũng hy vọng, trong bối cảnh Việt Nam đã và đang ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do và chuẩn bị đi vào thực thi, hàng rào thuế quan giảm mạnh. Đây sẽ là những yếu tố thuận lợi giúp xuất khẩu tôm có thể phục hồi những tháng cuối năm.
Nhãn mất mùa, nhiều nhà vườn thất thu lớn
Vụ nhãn năm nay, do thời tiết bất thuận nên sản lượng quả tươi giảm 2/3 so với các năm trước. Do mất mùa nên nhiều nhà vườn ở các vùng nhãn Hưng Yên thất thu nặng.
Theo đó, tại các vùng thủ phủ của nhãn như huyện Khoái Châu, thành phố Hưng Yên, sản lượng quả tươi chỉ bằng 30% so với năm 2018; nhiều vùng trồng nhãn ở các huyện Tiên Lữ, Kim Động, Ân Thi sản lượng chỉ đạt 20%. Tại các địa phương này, chỉ có từ 30 đến hơn 40% diện tích cho thu hoạch; các diện tích còn lại không có quả.
Tại thành phố Hưng Yên với gần 1.000 ha nhãn đến thời kỳ cho quả, nhưng năm nay chỉ có khoảng 35% diện tích cho thu hoạch với tỷ lệ ra hoa đậu quả đạt 40%, sản lượng giảm 2/3 so với các năm trước. Ông Nguyễn Văn Oanh, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hưng Yên cho biết, do mất mùa nên lượng quả tươi chỉ đạt 6.000 tấn, bằng 35% sản lượng năm 2018. Còn lại tới 60% diện tích không có quả nên nhiều bà con thất thu.
Hiện giá nhãn trên thị trường ở Hưng Yên cao gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước, dao động từ 25.000 - 35.000 đồng/kg. Nhãn ngon mua tại vườn có giá từ 50.000 - 80.000 đồng/kg, cá biệt có loại nhãn đường phèn ở mức trên 130.000 đồng/kg. Dù giá tăng cao hơn năm trước, nhưng sản lượng giảm nhiều nên giá trị thu cũng giảm.