(ANTV) - Facebook vừa qua cho biết mạng xã hội này đã xóa 265 tài khoản, trang, nhóm và sự kiện của Facebook và Instagram có nguồn gốc từ Israel, do có “hành vi không trung thực” nhắm đến người dùng ở nhiều nước châu Phi, châu Mỹ Latinh và Đông Nam Á.
Facebook cho biết đã xác định Tập đoàn Archimedes của Israel là nơi xuất phát của các hoạt động trên. Cụ thể, Archimedes có 65 tài khoản Facebook, 161 trang, 12 sự kiện và 4 tài khoản Instagram. Những người đứng đằng sau mạng lưới này đã sử dụng các tài khoản giả, thường xuyên đăng tải các tin tức chính trị, bao gồm các chủ đề như bầu cử ở nhiều quốc gia khác nhau, quan điểm của ứng cử viên và chỉ trích các đối thủ chính trị.
Facebook hiện đã thông báo chấm dứt hoạt động của Archimedes cùng các tập đoàn con. Động thái trên là một phần trong các nỗ lực rộng lớn hơn của Facebook nhằm giải quyết các lo ngại về mất quyền riêng tư và sử dụng ngôn từ kích động thù địch trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Europol triệt phá tổ chức tội phạm mạng đánh cắp 100 triệu USD
Giới chức châu Âu đã triệt phá một tổ chức tội phạm mạng chuyên sử dụng phần mềm mã độc để đánh cắp tiền, lừa đảo doanh nghiệp và các tổ chức tài chính với tổng số tài sản bị đánh cắp lên tới 100 triệu USD.
Tổ chức Cảnh sát Hình sự châu Âu (Europol) ngày 16/5 cho biết mạng lưới mang tên GozNym đã xâm nhập máy tính của hơn 41.000 nạn nhân, sau đó rửa số tiền đánh cắp được qua tài khoản của các thành viên trong nhóm sống rải rác tại Mỹ và một số nơi khác. Tổ chức này còn nhận đánh cắp thuê và chào mời dịch vụ của mình tại các diễn đàn ngầm trên mạng Internet. Tên cầm đầu mạng lưới tội phạm này được cho là đang sống tại Gruzia và đã bị chính quyền tại đây đã khởi tố.
Trung Quốc: Trường học lắp camera giám sát gây tranh cãi
Một trường học ở Hàng Châu, Trung Quốc đã lắp đặt một hệ thống nhận dạng khuôn mặt ở nhiều vị trí trong trường, nhà trường cho rằng, công nghệ này là nhằm phân tích một cách có hệ thống biểu hiện của học sinh trong trường và đưa ra những phản hồi về những hành vi bất thường. Nhà trường thì ca ngợi tính ưu việt của hệ thống giám sát, tuy nhiên, dư luận thì lại bày tỏ lo ngại về những quyền riêng tư của các em và giáo viên trong trường.
Khi Mộng Kim Dương, 16 tuổi đi ăn trưa ở trong trường, em chỉ cần đưa khuôn mặt của mình trước camera để lấy khẩu phần ăn gồm thịt lợn, trứng và rau, công nghệ nhận dạng khuôn mặt có thể cho biết những món ăn mà các học sinh đặt hàng trước, số tiền sẽ được trừ tự động trong tài khoản ăn trưa của các em. Trước đây, mọi người đều phải xuất trình thẻ, nhưng các em rất hay quên hoặc nhầm thẻ, cách thanh toán mới giúp các em học sinh thanh toán thuận tiện hơn. Mộng Kim Dương – Học sinh Trung học cho biết: “Tôi đã sử dụng dịch vụ này nhiều lần, nó dễ dàng hơn, trước đây các học sinh phải xếp hàng dài bởi mọi người phải quẹt thẻ, bây giờ nhân viên nhà bếp khoongm phải làm các thủ tục thanh toán."
Các giáo viên nói rằng, hệ thống này cũng có ích cho sức khỏe hơn, hệ thống sẽ thông báo nếu một ai đó chỉ ăn humbeger nhiều hơn rau. Chị Chu Trí Diêu – Giáo viên cho biết: “Sau mỗi đơn hàng dữ liệu được thu thập, sau một thời gian nhất định chúng tôi có thể rút ra một sự kết luận và phụ huynh cũng nhận được thông tin. Chúng ta có thể thấy các em ăn bao nhiêu protein, cacbon hydrat, và thực phẩm chiên mỗi tháng”.
Theo dõi, kiểm tra và phân tích, hiệu trưởng ngôi trường này đang đặt ra mục tiêu tạo ra một ngôi trường thông minh trong tương lai. Ông Trương Quan Triều – Hiệu trưởng trường Trung học số 11, Hàng Châu, Trung Quốc cho biết: “Chúng tôi đã xem xét sử dụng công nghệ để làm cho cuộc sống của học sinh ở đây dễ chịu hơn và giúp giáo viên nâng cao hiệu quả giảng dạy. Chúng tôi đang nghĩ về việc sử dụng toàn diện hơn dữ liệu lớn, internet và trí tuệ nhân tạo."
Trường cho biết tất cả dữ liệu mà họ thu thập được chỉ dành riêng cho mục đích nội bộ, học sinh cũng có thể sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để mượn sách thư viện bất cứ lúc nào trong ngày. Chị Chu Trí Diêu – Giáo viên cho biết: “Chúng tôi thu thập dữ liệu để biết ai mượn những cuốn sách nào và mượn bao nhiêu cuốn. Điều đó cho phép chúng tôi mua những cuốn sách phù hợp hơn với sở thích của học sinh."
Bây giờ Mộng Kim Dương đã quen với các camera nhận dạng khuôn mặt. Mộng Kim Dương – Học sinh Trung học chia sẻ: “Một mặt tôi cảm thấy tôi đang bị giám sát ở một mức độ nào đó, nhưng nó cũng giúp chúng tôi trong việc học. Đó là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Nhìn chung những ưu điểm vượt trội hơn những nhược điểm."
Ngôi trường được trang bị camera quan sát với công nghệ nhận dạng khuôn mặt, màn hình này cho biết, liệu học sinh nội trú có trở lại phòng đúng giờ hay không. Nhà trường nói rằng, công nghệ này nhằm mục đích tối ưu hóa thành tích của học sinh bằng cách xác định điểm mạnh, điểm yếu, sở thích của mỗi học sinh, camera thông minh trong các lớp học sẽ phân tích nét mặt để thấy học sinh tập chung, buồn chán hay hạnh phúc nhưng hiện chúng không được bật lên. Một số phụ huynh và truyền thông nhà nước cho rằng, hệ thống này đặt ra quá nhiều vấn đề đạo đức. Nhà trường đang kiểm tra những mối lo ngại này nhưng hiệu trưởng nhà trường rất muốn bật lại hệ thống camera và còn hơn thế nữa.
Ông Trương Quan Triều – Hiệu trưởng trường Trung học số 11, Hàng Châu, Trung Quốc cho biết: “Trí thông minh nhân tạo có thể theo dõi chuyển động của mắt, sóng não, nét mặt, sự tập trung và hành vi. Chúng ta có cần tất cả công nghệ này trong trường không? Chúng tôi phải xem xét nó có thể giúp chúng tôi như thế nào, sau đó chúng tôi có thể giới thiệu công nghệ liên quan đến trường của chúng tôi."
Rất ít thứ không được phát hiện ở trường Trung học số 11 này, ngay ở lối vào cũng có công nghệ nhận dạng khuôn mặt. Sau khi các học sinh bắt đầu học, cổng chính bị khóa, đó là tin xấu cho những người dậy muộn. Tất cả các giáo viên đều nhận được tin nhắn về những học sinh đến muộn.