(ANTV) - Căng thẳng tại khu vực giữa biên giới Nga và Ukraine liên tục leo thang những ngày gần đây. Trước sức nóng của tình hình miền Đông Ukraine, Nga đã tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực biên giới và tiến hành tập trận tại bán đảo Crimea.
Ukraine đã chỉ trích động thái này của phía Nga, đồng thời bác bỏ việc quân đội đang chuẩn bị tấn công lực lượng ly khai miền Đông. Dư luận quốc tế kêu gọi các bên hạ nhiệt tình hình thông qua đối thoại hòa giải.
Tờ WashingtonPost dẫn lời giới chức quốc phòng Ukraine ước tính, hiện có khoảng 85.000 binh sĩ quân đội Nga đã được triển khai tới bán đảo Crimea và các khu vực biên giới cách Ukraine chỉ từ 10 đến 40km.
Phía Nga thừa nhận việc điều quân, khẳng định hành động này không có nhằm mục đích đe dọa bất kỳ ai; tuy nhiên cũng cảnh báo sẽ hành động quyết liệt nếu Ukraine không kiềm chế và phát động cuộc chiến quy mô lớn chống lại phe ly khai ở miền Đông. Vài ngày trước, Nga cũng đã tiến hành tập trận tại Crimea.
Trước “sức nóng” của miền Đông Ukraine, Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky đã đến thăm khu vực tiền tuyến ở Donbass, kết luận cần phải thực hiện thỏa thuận ngừng bắn. Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine cũng khẳng định, quân đội Ukraine sẽ không mở một cuộc tấn công vào Donbass, song có quyền đáp trả nếu tình hình trong khu vực trở nên tồi tệ hơn.
Hiện các nước phương Tây đang theo dõi sát các diễn biến ở khu vực miền Đông Ukraine và biên giới với Nga, kêu gọi các bên ngừng các hành động làm leo thang căng thẳng.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết: "Chúng tôi hy vọng sự leo thang đáng lo ngại được quan sát thấy trên thực địa gần đây sẽ kết thúc càng sớm càng tốt. Lệnh ngừng bắn sẽ tiếp tục có hiệu lực và xung đột được giải quyết thông qua đối thoại trên cơ sở các thỏa thuận Minsk"
Trước đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã điện đàm với người đồng cấp Nga Putin để thảo về vấn đề này. Trong cuộc điện đàm, ông Putin cáo buộc Ukraine đã có những “hành động khiêu khích nguy hiểm” trong khu vực ly khai miền Đông Ukraine, đồng thời hối thúc quốc gia láng giềng “tuân thủ nghiêm ngặt” các thỏa thuận đã đạt được trước đó, trong đó có việc đối thoại trực tiếp với lực lượng ly khai miền Đông.
Người Hồi giáo Indonesia đón mùa lễ Ramadan thứ 2 giữa đại dịch
Ngày 12/04, 229 triệu người Hồi giáo Indonesia sẽ bắt đầu tháng lễ Ramadan thứ hai trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tháng Ramadan là tháng lễ linh thiêng trước khi bước vào ngày lễ lớn Eid Al-Fitr của người Hồi giáo.
Trong vòng 30 ngày, người Hồi giáo trưởng thành và khỏe mạnh ở Indonesia sẽ thức dậy ăn một bữa trước bình minh và sau đó sẽ nhịn ăn, nhịn uống. Cho tới khi mặt trời lặn, họ sẽ ăn bữa tối “xả chay”. Ngoài ra, trong suốt tháng này, người Hồi giáo sẽ tập trung cầu nguyện, làm việc thiện như một cách để hướng tới đấng Allah, loại bỏ các thói quen xấu và lấy lại sự thánh thiện trước khi đến ngày lễ lớn của người Hồi giáo.
Mặc dù đây là mùa lễ Ramadan thứ hai người Hồi giáo Indonesia sống trong đại dịch song không khí đón Ramadan của người dân quốc gia có số dân theo Đạo hồi lớn nhất thế giới không kém phần tấp nập.
Khác với năm trước khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Indonesia, người dân quốc gia vạn đảo phải học tập, làm việc và cầu nguyện tại nhà. Năm nay, Indonesia đã nới lỏng các lệnh cấm, người dân được phép đến nhà thờ cầu nguyện với các giao thức y tế nghiêm ngặt. Thời gian mở cửa các nhà hàng cũng dài hơn để phục vụ nhu cầu “xả chay” của người dân. Tuy nhiên lệnh cấm về quê trong dịp này vẫn được áp dụng từ ngày 6-17/5 để ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.