(ANTV) - Dù năm 2021 mới chỉ bắt đầu được 15 ngày, tuy nhiên, từ đầu năm đến nay Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã 2 lần phải đưa ra cảnh báo ô nhiễm môi trường trong mức báo động diễn ra trong nhiều ngày. Và chỉ từ ngày 14/1, không khí tại thủ đô tiếp tục được cảnh báo ở mức xấu. Điều đáng nói ở đây là theo quy luật hàng năm, ở khu vực phía Bắc, chỉ bắt đầu từ tháng 9, các thông số ô nhiễm trong không khí, đặc biệt là bụi mịn PM2.5 mới có xu hướng tăng lên, chính vì vậy diễn biến môi trường như những ngày đầu năm như thế này thực sự là bất thường.
Kết quả quan trắc tại 35 trạm đo trên địa bàn Hà Nội từ ngày 29/12/2020 đến ngày 5/1/2021 cho thấy chỉ số chất lượng không khí có xu hướng xấu đi và chạm ngưỡng rất xấu.
Ngày 6/1, kết quả thể hiện chất lượng không khí tại các quận nội thành AQI 163, tức là mức có hại cho sức khỏe người dân.
Từ ngày 14/1, chất lượng không khí đo được tiếp tục ở mức xấu.
Ngay trong những ngày đầu tháng 1, chỉ số AQI tại nhiều điểm quan trắc tại Hà Nội đều ở mức xấu và kém, đặc biệt các khu vực như Minh Khai, Cầu Giấy. Nguyên nhân được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đưa ra ban đầu là do tình trạng đốt rác thải sinh hoạt tự phát, xây dựng lát đá vỉa hè, giao thông, các nhà máy sản xuất cuối năm ảnh hưởng đến chất lượng không khí trên địa bàn.
Ông Phạm Hải Dương, Trung tâm điều hành dữ liệu kiểm soát môi trường, Chi Cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cho biết: "Trong thời gian này ghi nhận hình thái thời tiết vô cùng bất lợi, sau khi không khí lanh tràn về, tốc độ gió xuống thấp, kết hợp lệch nhiệt độ ngày đêm lớn, buổi sáng hình thàng sương mù, cản trở khuếch tán ô nhiễm, do vậy ô nhiễm nội tại không phát tán đi được gây ô nhiễm cục bộ. Từ nay đến tháng 3 dự đoán còn nhiều khoảng thời gian thời tiết xấu gây ô nhiễm không khí."
Trước đó, bắt đầu từ năm 2019, Hà Nội đã xảy ra nhiều đợt ô nhiễm không khí kéo dài, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã kêu gọi người dân ủng hộ các biện pháp như không đốt củi, bếp than tổ ong, đốt rơm rạ, thu gom rác thải. Với việc xác định được nguyên nhân gây ra chất lượng không khí, các chuyên gia cho rằng đây sẽ là tiền đề để tìm phương án cải thiện trước mắt cũng như lâu dài, nhưng cần có một chế tài đủ mạnh cùng sự phối với tốt giữa các ban ngành, địa phương và người dân.
Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho biết: "Rõ ràng trong những năm vừa qua chúng ta chưa có biện pháp gì để giảm thiểu, kiểm soát nguồn thải, xe máy cũ như thế nào vẫn hoạt động được, xả khói như thế nào cũng được, đấy là phải nhìn nhận rõ nguyên nhân từ các hoạt độ."
Theo dự báo, từ nay đến tháng 3 sẽ còn xuất hiện nhiều hình thái thời tiết bất thường, gây suy giảm chất lương không khí, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên thường xuyên theo dõi các trang thông báo về tình chất lượng không khí để có biện pháp bảo vệ sức khỏe cho mình.