(ANTV) - Tuần qua, việc hàng chục hộ dân dựng dựng lều, cản xe rác vào khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn khiến các quận nội thành Hà Nội bị ngập trong rác thải. Sau nhiều nỗ lực thương thảo giữa chính quyền và người dân, đến nay đường vào bãi rác đã được giải phóng, tình trạng ùn ứ rác cơ bản được khắc phục.
Sự việc này cho thấy, bên cạnh việc sớm có phương án tháo gỡ vương mắc của người dân, thì các cơ quan chức năng cũng cần có những biện pháp dự phòng để không rơi vào thế bị động trong việc xử lý rác thải đô thị.
Sau khi đường vào bãi rác Nam Sơn được giải tỏa cho xe trở rác vào, đến ngày 10/7, nhiều tuyến phố đã không còn tình trạng ùn ứ rác. Bãi tập kết rác tạm thời trên đường Phạm Văn Bạch, quận Cầu Giấy cũng đã được giải phóng.
Trước đó, tối ngày 05/7, người dân ở xã Nam Sơn và Hồng Kỳ huyện Sóc Sơn đã dỡ bỏ lều bạt, chướng ngại vật ngăn xe rác vào khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn. Động thái này diễn ra sau khi chiều tối cùng ngày, người dân đã nhận được văn bản hỏa tốc của UBND thành phố Hà Nội về việc tháo gỡ vướng mắc dự án di dân, vùng ảnh hưởng môi trường của bãi rác.
Lượng rác thải tồn đọng những ngày qua, ước tính khoảng 15 nghìn tấn, nên sau khi đường vào được giải tỏa, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) đã huy động tối đa cán bộ, công nhân, phương tiện hoạt động liên tục trong những ngày tới để thu gom, xử lý lượng rác thải tồn đọng.
Câu chuyện người dân xúc do tình trạng ô nhiễm tại các khu xử lý, bãi rác thải tập trung là có thật và kéo dài nhiều năm. Theo những người dân quanh khu xử lý rác, họ chỉ cần một chính sách đền bù thỏa đáng.
Vấn đề ô nhiễm môi trường, đặc biệt là tình trạng rác thải trên địa bàn thành phố đang diễn biến phức tạp và đang là thách thức không nhỏ cho Thủ đô. Trong các cuộc họp giao ban những tháng gần đây, UBND TP Hà Nội đã liên tục giao các các sở, ban, ngành chủ động xây dựng kế hoạch thu gom rác thải sinh hoạt, rác xây dựng để không làm ảnh hưởng đến môi trường. Hiện tại, rất cần những phương án dự phòng để Hà Nội không rơi vào thế bị động trong việc xử lý rác thải đô thị.