(ANTV) - Sau gần 5 tháng sửa chữa và thi công, cầu Thăng Long đã chính thức được thông xe. Hiện các phương tiện đã lưu thông bình thường, việc sớm hoàn thành sửa chữa cầu Thăng Long sẽ giúp kết nối đồng bộ và phát huy hiệu quả khai thác của toàn tuyến vành đai 3 Hà Nội và các tỉnh lân cận, tạo sự liên kết giữa các vùng quanh Thủ đô. Ngay sau khi hoàn thành và tiếp tục đi vào sử dụng, các cơ quan chức năng cũng đã có các phương án thông báo điều chỉnh tuyến đường đối với các phương tiện giao thông như xe bus, xe khách. Đồng thời cũng lên các phương án tăng cường bảo vệ kết cấu mặt đường của cầu Thăng Long.
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, cầu Thăng Long hoàn thành sửa chữa vượt tiến độ 10 ngày so với kế hoạch đề ra. Trong lần sửa chữa lần này đã áp dụng giải pháp kỹ thuật phức tạp, lần đầu tiên được triển khai trên quy mô và khối lượng lớn. Trong quá trình sửa chữa, các nhà thầu đã làm sạch và sơn toàn bộ mặt cầu Thăng Long. Với phương án như trên, mặt cầu Thăng Long sẽ đảm bảo tuổi thọ của lớp bêtông siêu tính năng tối thiểu 30 năm, và lớp phủ bêtông nhựa polyme là 10 năm (theo tuổi thọ thông thường của vật liệu nhựa).
Các chuyên gia đánh giá với phương án lần này thì bảo đảm được sự kết dính bám giữa lớp phủ mặt cầu với mặt cầu thép. Tuy nhiên, cần phải lưu ý đối với trường hợp tải trọng xe nặng, chống thấm đọng nước xuống bề mặt cầu bê tông nhựa Polymer trên lớp tạo nhám và dính bám. Từ đó, sẽ giúp tăng cường độ cứng khung, kết cấu chịu lực nhằm kéo dài tuổi thọ của cây cầu.
Ngay sau khi thông xe, lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, Sở Giao thông vận tải đã có phương án thống nhất với Tổng Cục đường bộ Việt Nam về phương án tổ chức giao thông. Cụ thể, các phương tiện ô tô các loại được phép đi lại trên tầng 2 cầu Thăng Long như trước khi sửa chữa. Riêng với xe khách, thay vì sau khi từ cầu Thăng Long hoặc từ các bến xe Hà Nội ra đi ở đường Phạm Văn Đồng bên dưới, các lực lượng chức năng sẽ cử lực lượng điều tiết, phân luồng cho xe khách đi ở đường trên cao. Đồng thời, tiến hành đưa các phương tiện xe bus trở lại hoạt động như trước kia.
Đánh giá vai trò của cầu Thăng Long, đại diện UBND thành phố Hà Nội cho rằng, việc sửa chữa là rất cần thiết để giao thông thông suốt trên vành đai 3, giảm tải cho các cây cầu bắc qua sông Hồng.
Mới đây, phát biểu tại lễ thông xe, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, cầu Thăng Long không chỉ kết nối giao thông phía Bắc mà còn kết nối cả với phía nam của đất nước. Với vai trò này, Phó Thủ tướng đánh giá cao sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, các chuyên gia đã làm việc hết trách nhiệm, khắc phục khó khăn, lao động ngày đêm hoàn thành công trình đạt chất lượng, an toàn. Đồng thời, cần đặc biệt chú ý đến việc duy trì bảo vệ kết cấu hạ tầng sau khi cầu Thăng Long đi vào sử dụng.
Thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tập trung kiểm soát tải trọng đối với các phương tiện lưu thông qua cầu Thăng Long - đường Vành đai 3, đường Võ Văn Kiệt. Bố trí các vị trí đặt cân và kiểm tra tải trọng xe tại hai đầu đường dẫn vào cầu, tăng cường tuần tra trên các đoạn tuyến khu vực hai đầu cầu Thăng Long, phát hiện các xe có dấu hiệu vi phạm tải trọng, tổ chức kiểm tra và xử lý theo quy định. Đồng thời, công tác phối hợp kiểm soát tải trọng xe được thực hiện 24/7, phân thành 3 ca trực hàng ngày.