(ANTV) - Vụ cháy tại Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông xảy ra cách đây đã hai tuần, thế nhưng dư âm của nó thì vẫn còn gây lo lắng và bức xúc trong người dân. Nguyên nhân từ việc những luồng thông tin khác nhau, thậm chí là trái ngược nhau được phát đi từ cơ quan quản lý nhà nước các cấp về vấn đề ô nhiễm độc hại đến từ vụ cháy có ảnh hưởng ra sao đến đời sống của người dân quanh khu vực xảy ra đám cháy và môi sinh của thủ đô Hà Nội nói chung.
Vụ cháy xảy ra tại Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông vẫn đang khiến dư luận xã hội vô cùng bức xúc về trách nhiệm của chính quyền và doanh nghiệp đối với sức khỏe và an toàn của người dân.
Một thông tin khiến người dân bày tỏ sự lo lắng và bất an là mới đây, Tổng cục Môi trường thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, qua đấu tranh quyết liệt, Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đã thừa nhận 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy có sử dụng thuỷ ngân lỏng, không phải hợp chất amalgam ít gây ô nhiễm như đã thông tin trước đó. Điều này chỉ ra, Lãnh đạo doanh nghiệp này trong một nỗ lực bưng bít sự thật đã nói dối người dân và chính quyền.
Không chỉ phía công ty, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cũng “góp phần” khiến dư luận thêm lo lắng, khi liên tục bất nhất, thiếu minh bạch, ban hành rồi thu hồi rút lại các thông báo. Kết luận của cơ quan này lại "đá" cơ quan kia.
Theo kết quả mới nhất, Chi cục Môi trường Hà Nội công bố 6 mẫu không khí lấy hôm 6 và 7-9 tại khu vực Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông cho thấy không phát hiện thủy ngân trong không khí. Điều đáng nói, công bố này lại "đá" kết quả vừa được Bộ Tài nguyên - môi trường thông báo tại cuộc họp báo Chính phủ hôm 4/9, việc này càng làm cho câu chuyện Rạng Đông trở nên rối ren.
Trước đó, việc UBND quận Thanh Xuân thu hồi văn bản khuyến cáo của UBND phường Hạ Đình và đưa ra những thông tin không chính xác nhằm “trấn an” người dân cũng đã bị dư luận lên án.
Trao đổi trên báo chí, Luật sư Phạm Thành Tài - Giám đốc công ty luật Phạm Danh nêu quan điểm: “Những nội dung của UBND phường Hạ Đình hoàn toàn phù hợp với các khuyến cáo được ban hành sau đó của Bộ Tài Nguyên và môi trường. Việc UBND quận Thanh Xuân sau đó ra quyết định thu hồi văn bản của UBND phường Hạ Đình là một sự áp dụng cứng nhắc và thể hiện sự không thống nhất trong cách xử lý sự cố giữa các cấp chính quyền cũng như việc thông tin tới người dân, gây nên sự hoang mang trong dư luận, đặc biệt là người dân trong khu vực xảy ra vụ cháy”.
Vòng vèo trách nhiệm, thông tin bất nhất, đó là những gì có thể cảm nhận được sau gần 2 tuần Hà Nội xử lý vụ cháy ở Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông. Vụ việc cũng khiến cộng đồng mạng đặt ra nhiều câu hỏi về hành xử trong tình trạng khẩn cấp cũng như trách nhiệm của chính quyền, cơ quan quản lý khi sự cố xảy ra (?).
Ngày 9/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND Hà Nội chú trọng thực hiện ngay các biện pháp đảm bảo an toàn cho người dân ở khu vực bị ảnh hưởng do sự cố cháy, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các biện pháp khắc phục sự cố môi trường. Đồng thời, Hà Nội chịu trách nhiệm điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy, nổ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Thành phố hãy làm những gì cần thiết để người dân có thể sớm quay về nhà, ổn định cuộc sống – Đó là mong mỏi của đông đảo người dân và cư dân mạng lúc này. Nếu còn tiếp tục trấn an dân bằng những thông tin thiếu minh bạch, bất nhất, hệ lụy để lại là rất lớn, không chỉ là sức khỏe người dân trong khu vực cháy mà còn là lòng tin của cộng đồng vào chính quyền.