(ANTV) - Đầu tháng 10, TP Đà Nẵng hứng đã phải hứng chịu các đợt mưa lớn và kéo dài, dẫn đến tình trạng ngập lụt nghiêm trọng. Tuy nhiên, so với trận lụt lịch sử năm 2022, thiệt hại về người và tài sản được giảm tối thiểu. Để làm được điều đó, đòi hỏi kinh nghiệm, sự chủ động ứng phó của người dân và sự vào cuộc kịp thời của lực lượng chức năng.
Sử dụng giàn giáo, kê tạm gỗ thành một gác lửng để đồ đạc lên cao. Đây là mô hình chống ngập của khu dân cư Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Cách làm này khá hiệu quả, được tất cả gia đình không có gác lửng áp dụng.
Còn đây là phao nỗi cứu sinh được bố trí sẵn ở các điểm ngập sâu. Khi nước dâng cao, người dân trong khu dân cư có thể chủ động sơ tán và giúp đỡ người già, trẻ em.
Với phương châm 4 tại chỗ, tại các khu dân cư trũng thấp phường Hòa Khánh Nam đều thành lập tổ cứu nạn cứu hộ, giúp đỡ lẫn nhau. Đồng thời theo dõi sát mực nước, chủ động sơ tán khi nước dâng cao.
So với mọi năm, Đà Nẵng đã có sự chủ động, linh hoạt và phương án cụ thể để ứng phó. Đối với công tác CNCH, nhân lực, phương tiện được huy động túc trực tại khu dân cư.
Tùy vào cấp độ thiên tai, mức độ nguy hiểm mà lực lượng chức năng triển khai phương án ứng ứu phù hợp. 3 ngày lũ vừa qua, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, CAQ Liên Chiểu đã cứu được 30 người dân bị mắc kẹt trong nhà, ở vùng nước sâu.
Sự phối hợp giữa quân và dân đã được lên kịch bản sẵn và được áp dụng một cách nhịp nhàng nên việc đảm bảo cho người dân sơ tán trở nên thuận lợi hơn. Chính sự chủ động đó đã giảm được phần lớn thiệt hại cho người dân vào mùa mưa năm nay.