(ANTV) - Cơ quan chức năng tại Hà Nội đang làm rõ dấu hiệu lừa đảo góp vốn do công ty cổ phần Tập Đoàn Mỹ Hạnh mạo danh trồng sâm Ngọc Linh dưới hình thức mua cổ phần, góp vốn. Với lời hứa hẹn sau 1 năm sẽ nhận cả gốc lẫn lãi với số tiền lãi hàng tháng trung bình 2,5%. Rất nhiều người dân tại nhiều tỉnh thành phố tham gia đã không nhận được cả tiền lãi lẫn tiền gốc.
Theo những người tham gia góp vốn, bên cạnh quảng cáo “có cánh” kèm theo nhiều lời hứa hẹn và cam kết nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận cao. Công ty CP Tập đoàn Mỹ Hạnh huy động tiền của người dân bằng 3 loại hợp đồng: Mua cổ phần, Hợp đồng góp vốn, Hợp đồng mượn vốn
Tất cả đều hứa hẹn sau 1 năm sẽ nhận cả gốc lẫn lãi với số tiền lãi hàng tháng trung bình 2,5%.
Công ty này đã mở rộng mạng lưới huy động tại 10 chi nhánh ở các địa phương. Đã có rất nhiều người dân góp tiền cho Công ty này với số tiền lên đến nhiều tỷ đồng.
Theo những nạn nhân, ngoài được tư vấn nhiệt tình họ còn được công ty này đưa đi tham quan các dự án trồng sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam và Kon Tum, liên kết với nhiều đối tác trong và ngoài nước. Đồng thời giới thiệu dự án được nhà nước hỗ trợ 70% là 16.000 tỷ đồng và kêu gọi người dân góp thêm 30%.
Nếu tham gia góp vốn sẽ có quà là các sản phẩm từ sâm ngọc linh...
Giới thiệu người tham gia sẽ được hưởng % hoa hồng, càng nhiều người tham gia sẽ được hưởng nhiều % hoa hồng.
Ban đầu công ty trả lãi đầy đủ nên nhiều người tiếp tục kêu gọi người thân và vay mượn. Tiền được chuyển vào tài khoản đứng tên Tổng giám đốc công ty. Sau một thời gian huy động, đến nay công ty này đã dừng chi trả cả gốc lẫn lãi đối với nhiều người dân.
Trụ sở của Công ty tại đường Nguyễn Quốc Trị, Hà Nội. Trụ sở 6 tầng của Tập đoàn Mỹ Hạnh vốn to và đẹp nhưng giờ đã tháo biển hiệu, đóng cửa do không đóng tiền nhà từ 1/8 và nhà đầu tư không biết đi đâu để tìm người đã cầm tiền và cam kết với khoản tiền của họ.
Được biết, Công ty này đăng ký 58 ngành nghề kinh doanh; thời gian qua quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội, trang web và tổ chức nhiều hội thảo mời người dân đến dự. Cơ quan chức năng xác định không có gói vay ưu đãi 16.000 tỷ đồng nào của chính phủ cho công ty này, cũng không có những dự án trồng sâm được cấp phép tại các địa phương liên quan.
Hiện cơ quan chức năng đang điều tra hoạt động huy động vốn này có diễn ra tại các địa phương khác hay không và dòng tiền của công ty đã đi đâu và sử dụng vào mục đích nào?
Tuy nhiên với 80% người góp vốn là cán bộ nghỉ hưu, người già thậm chí nhiều người đã vay mượn của người thân, ngân hàng khiến họ rơi vào cảnh khốn đốn. Trong phóng sự tiếp theo chúng tôi sẽ đề cập về vấn đề này.