(ANTV) - Thực tế nhiều năm qua cho thấy, giá cả thị trường vẫn luôn “chạy trước” lương của người lao động, nhất là lương của cán bộ, công chức viên chức. Nhiều khi vừa có thông tin tăng lương, người lao động chưa kịp vui với mức lương mới thì đã phải đối mặt với việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng chóng mặt. Vậy làm thế nào để người lao động thực sự yên tâm về vấn đề này đang là câu hỏi được đặt ra.
Là người vừa mới được tăng lương trong những ngày đầu tháng 7, tuy nhiên anh Trường nhận thấy giá cả hàng hóa cũng tỷ lệ thuận theo lương của mình. Từ gói mỳ tôm đến hộp sữa hay các loại thực phẩm khác khi anh có nhu cầu mua cũng đều tăng giá hơn so với thời điểm trước khi tăng lương.
Nói đến việc tăng lương, nhiều người lao động rất mừng nhưng họ lo lắng về vấn đề giá cả tăng theo. Bởi chưa tăng lương thì giá đã tăng và không cần tăng lương thì giá cũng tăng. Nhiều ý kiến mong muốn, Nhà nước cần có biện pháp quản lý giá hiệu quả để việc tăng giá không làm xáo trộn cuộc sống của người dân.
Để kiểm soát lạm phát, các bộ, ngành và địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.
Để giá cả hàng hóa không chạy đua theo tiền lương, cùng với đó, Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, đặc biệt cần đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.