(ANTV) - Liên minh châu Âu (EU) hôm qua đã lần đầu tiên thực hiện kế hoạch mua chung khí đốt thông qua mời thầu, nhằm có được mức giá tốt hơn để bổ sung cho kho dự trữ trước mùa Đông năm 2023-2024.
Theo Ủy ban châu Âu (EC), đây là bước đi lịch sử vì đã tận dụng được sức mạnh kinh tế tập thể của EU để tăng cường an ninh năng lượng và chống lại giá khí đốt cao. EC khẳng định cách thức mua chung khí đốt sẽ giúp các công ty châu Âu, đặc biệt là trong các ngành sử dụng nhiều năng lượng, xây dựng mối quan hệ kinh doanh mới với các nhà cung cấp thay thế, khi EU tìm cách giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
Đối với lần gọi thầu đầu tiên này, 77 công ty châu Âu đã gửi yêu cầu đặt mua khoảng 11,6 tỷ m3 khí đốt. Các nhà cung cấp khí đốt quốc tế, ngoại trừ Nga, sẽ gửi báo giá trước ngày 15/5 tới. Nếu thỏa thuận được ký kết thì các đợt giao hàng dự kiến sẽ diễn ra từ tháng 6 năm nay đến tháng 5 năm sau. Các cuộc đầu thầu kiểu này sẽ diễn ra 2 tháng một lần cho đến cuối năm nay.
Việc mua chung khí đốt của EU lần này phải đảm bảo tránh được tình trạng như mùa Hè năm ngoái, khi các quốc gia và công ty đổ xô đến thị trường khí đốt cùng lúc để lấp đầy kho dự trữ, khiến giá khí đốt tăng đột biến.
Armenia và Azerbaijan xúc tiến nối lại đàm phán hòa bình
Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev sẽ nối lại các cuộc đàm phán hòa bình vào ngày 14/5 tới tại Brussels (Bỉ). Cuộc gặp này diễn ra theo sáng kiến của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.
Nguồn tin cho biết, Chủ tịch Michel sẽ chủ trì cuộc gặp giữa Thủ tướng Pashinyan và Tổng thống Aliyev. Các cuộc đàm phán được lên kế hoạch vào ngày 13-14/5, nhưng chương trình nghị sự vẫn chưa được chốt chính thức. Theo giới quan sát, cuộc gặp là một phần trong nỗ lực nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Armenia và Azerbaijan, là động thái nối lại các cuộc gặp ba bên và là diễn biến mới nhất sau các cuộc đàm phán hòa bình quan trọng và tích cực tại Washington (Mỹ) vào tuần trước.
Hồi đầu tháng này, các bộ trưởng ngoại giao của Armenia và Azerbaijan đã gặp nhau tại Washington để thảo luận về việc hàn gắn mối quan hệ do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken làm trung gian.
Những lời kêu gọi về một thỏa thuận hòa bình lâu dài đã tăng lên sau một loạt các vụ đụng độ bạo lực gần đây dọc biên giới chung hai nước, chỉ hai năm rưỡi sau cuộc chiến đẫm máu ở khu vực tranh chấp Nagorny-Karabakh khiến hàng nghìn binh sĩ Armenia và Azerbaijan thiệt mạng. Vấn đề toàn vẹn lãnh thổ là ưu tiên hàng đầu trong chương trình đàm phán và tháng trước. Ông Pashinyan cho biết Yerevan sẵn sàng chấp nhận chủ quyền của Azerbaijan đối với Nagorny-Karabakh.