(ANTV) - Cùng với sự bùng nổ của internet, mạng xã hội, tệ nạn cho vay lãi nặng qua cácwebsite, hội nhóm trên mạng, dần thay thế phương thức cho vay lãi nặng truyền thống. Chỉ bằng một cuộc điện thoại, hay vài dòng chat với bản chụp một loại giấy tờ tuỳ thân, hoặc số điện thoại cá nhân đăng ký tài khoản Zalo, là có thể được vay tiền.
Vay tiền từ các tổ chức tín dụng hợp pháp, thì người vay phải thực hiện thủ tụcchặt chẽ và phải có thế chấp. Nhưng nếu vay nóng, vay nặng lãi qua tổ chức tín dụng đen, thì lại dễ dàng và nhanh chóng. Nhưng cùng với đó, là những hậu quả khôn lường mà người vay khó có thể mường tượng.
Do ảnh hưởng Covid-19, công việc khó khăn, không bảo đảm chi tiêu, bà Ngô Thị Hương phải 2 lần vay tiền nóng qua nhóm tín dụng đen. Chậm trả nợ, bà liên tục bị đối tượng cho vay là Trần Văn Ngữ tấn công, khủng bố tinh thần.
Bà Ngô Thị Hương, người vay tín dụng đen: "Anh ấy vào đòi tiền, tôi chưa có thì anh ấy định nhốt tôi trong nhà nhưng tôi ra giằng cửa ra thì anh ấy quay vào, tát thẳng vào miệng của tôi luôn xong tôi vay được 3 triệu giả cho anh ấy. Giả xong rồi anh ấy còn ngồi anh ấy chửi nửa tiếng anh ấy mới về."
Đối tượng Trần Văn Ngữ, Kinh doanh tín dụng đen khai nhận: "Tôi có cho chị Hương vay số tiền là 70 triệu đồng, lãi suất là 3 nghìn đồng trên một triệu trên một ngày."
Cần tiền trang trải cuộc sống, nhiều người dân đã tham gia các gói vay của các nhóm tín dụng đen, với lãi suất cao gấp nhiều lãi suất ngân hàng. Họ dễ dàng rơi vào vòng xoáy “lãi mẹ đẻ lãi con”, tiền lãi phải trả thậm chí gấp nhiều lần số tiền gốc. Nguy hiểm hơn, họ rơi vào mê cung do chính các nhóm đối tượng kinh doanh tín dụng đen giăng ra.
Thượng tá Vũ Đức Trọng, Phó Trưởng phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao, Công an tỉnh Hà Nam cho biết: "Trước khi cho vay thì đối tượng tập trung vào việc trước khi cho vay thì phải có quyền truy cập, truy cập vào danh bạ, ảnh và các tài khoản của người vay. Trong quá trình vay thì đối tượng sử dụng cách lấy tiền tư vấn, tư vấn hợp đồng, tiền lãi, tiền quá hạn. Sau đó, sau một thời gian người vay không thanh toán được, đối tượng lại giới thiệu cho một át khác để vay trả cho át bản thân, nhưng bản chất những át vay tiền đó vẫn là của đối tượng. Đấy là những thủ đoạn đối tượng sử dụng để người dân phải vay thêm nhiều tiền, trả thêm nhiều lãi."
Biến tướng và tinh vi hơn, cầm đầu đường dây tín đụng đen có cả cán bộ tín dụng của ngân hàng. Đơn cử như, đối tượng Vũ Thanh Tuân là cán bộ ngân hàng..., ở huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
Đối tượng Vũ Thanh Tuân, Kinh doanh tín dụng đen cho biết: "Tôi có cho anh Phong ở Trần Hưng Đạo vay hơn hai tỷ đồng, lãi suất là 5000đ/tr/ngày. Đã thu lãi của anh... 200 triệu đồng. Đầu năm 2022, tôi nhờ anh Công, tên được gọi là Công Giáp thúc ép, đòi nợ hộ, tổng số tiền gửi anh Công Giáp khoảng 100 triệu đồng."
Tín dụng đen ẩn mình dưới vỏ bọc doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Câu nhử khách hàng bằng nhiều phương thức, thủ đoạn quảng bá bằng hình thức truyền thống dán, phát tờ rơi, sử dụng mạng xã hội để câu nhử khách hàng. Hoạt động “tín dụng đen” là nguyên nhân, điều kiện phát sinh nhiều loại tội phạm, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự xã hội.