(ANTV) - Theo thông báo mới nhất của Cơ quan giảm nhẹ thiên tai Malawi, số nạn nhân thiệt mạng trong cơn bão Freddy - một trong những cơn bão mạnh nhất đổ vào châu Phi - hiện đã lên tới 225 người. Cơn bão cũng khiến trên 700 người bị thương và 41 người mất tích.
Dù đã suy yếu và bắt đầu di chuyển ra khỏi đất liền, bão Freddy vẫn đang gây mưa lớn tại nhiều địa phương, gây nguy cơ lụt lội và sạt lở đất.
Thành phố Blantyre là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất do mưa bão. Số nạn nhân thương vong hoặc mất tích được dự đoán sẽ còn tăng trong vài ngày tới.
Điều này càng gây nhiều khó khăn cho Malawi trong bối cảnh nước này đang đứng trước nguy cơ tái bùng phát dịch tả, đặc biệt tại Blantyre - nơi có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng vaccine phòng tả rất thấp.
Bão Freddy hình thành ngoài khơi Australia vào đầu tháng 2. Trước khi đổ vào miền Nam Malawi hôm 13/3, bão Freddy đã quét qua Madagascar và Mozambique, khiến hơn 20 người thiệt mạng và ảnh hưởng đến gần 400.000 người.
Hàng trăm nghìn người đình công tại Anh
Hôm nay (15/3), nhiều giáo viên, người lái tàu điện ngầm và viên chức đã cùng với các bác sĩ tham gia cuộc tổng đình công trong bối cảnh Bộ Tài chính Anh sắp công bố kế hoạch về thuế và ngân sách chi tiêu. Với hàng trăm nghìn người dự định xuống đường tuần hành, đây có thể trở thành ngày đình công có quy mô lớn nhất kể từ làn sóng đình công bắt đầu vào năm ngoái tại Anh.
Nhiều nhóm tham gia đình công là nhân viên của các trường đại học trên khắp nước Anh và các nhà báo của BBC tại vùng England. Cuộc đình công của nhân viên đường sắt tại các nghiệp đoàn Aslef và Liên minh Đường sắt, Hàng hải và Vận tải (RMT) tại London khiến hoạt động của mạng lưới tàu điện ngầm London bị đình trệ. Một số cơ quan chính phủ và Lực lượng Biên phòng dự kiến cũng sẽ bị ảnh hưởng do khoảng 130.000 thành viên của nghiệp đoàn viên chức PCS tiến hành đình công.
Trong khi đó, cuộc bãi công mới nhất của các giáo viên sẽ diễn ra trong 2 ngày, bắt đầu từ ngày 15/3, có thể sẽ làm gián đoạn hoạt động của các trường tại Anh.
Anh đối mặt với làn sóng đình công kéo dài từ năm ngoái chủ yếu do khủng hoảng chi phí sinh hoạt khiến người lao động trong nhiều ngành nghề, từ y tá đến luật sư, đã tiến hành đình công đòi tăng lương.