(ANTV) - Sau 65 năm, thế giới vẫn chưa hết ngỡ ngàng trước chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Một trong những kỳ tích đã trở thành huyền thoại góp phần cho chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, đó chính là việc đưa pháo vào trận địa bằng sức người qua những con đường núi quanh co, đầy nguy hiểm.
Đèo Pha Din hay còn được gọi là dốc Pha Din, theo ngôn ngữ của người Thái thì đây là nơi giao thoa giữa đất và trời, đây cũng chính là điểm khởi đầu gian nan nhất của hành trính kéo pháo bằng sức người của những chiến sỹ Điện Biên năm xưa. Điều này đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Bắt đầu từ đây, qua nhiều đèo, dốc, vực sâu, núi cao, lực lượng pháo binh của ta đã kéo 68 khẩu trọng pháo vào trận địa, hướng tới cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập, đồi A1, Hầm De Castries.
Theo ông Nguyễn Văn Thẩm – Cựu chiến binh Chiến dịch Điện Biên Phủ: Trèo rừng lội xuống đi đâu chúng tôi cũng đi, trinh sát dẫn đến đâu là chúng tôi tiến tới đó, đến bờ đến biên là phải bố chí trận địa và chỉ huy chỉ huy đánh.
Cho đến hôm nay, cựu chiến binh Phạm Đức Cư, một chiến sỹ của Trung đoàn 367 pháo cao xạ năm xưa vẫn còn nhớ rõ từng con dốc, con đèo mà ông và những đồng đội đã gồng sức, gồng mình đưa pháo qua. Sau 9 ngày đêm, lực lượng của ta đã đưa pháo vào chiếm lĩnh trận địa an toàn, bí mật. Tuy nhiên, ngay sau đó, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định đổi phương châm tác chiến từ đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc, lực lượng pháo binh lại nhận được lệnh kéo pháo trở lại nơi tập kết vất vả gian khổ gấp đôi song tất cả vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ bằng mọi giá...
Ông Phạm Đức Cư cho biết: Kéo ban đêm không được soi đèn thì chúng tôi cử 2 người khoác 2 mảnh vải trắng đi trước để làm tiêu để kéo pháo theo nếu không chỉ sai lệch một tí cái là có thể rơi xuống vực ngay. Khi mà kéo thì phải lên rất nhiều cái dốc như dốc Bảy Tời, đèo Cụ Mậu rồi dốc Voi Phục này... hàng trăm cái dốc mà lên thì phải kéo mà xuống phải ghìm, xuống từ từ.
Pháo lựu 105mm, là 1 trong 4 khẩu pháo của Đại đội 806 được giao nhiệm vụ bắn những quả đạn đầu tiên vào cứ điểm Him Lam trong trận mở màn chiến dịch ĐBP vào ngày 13.3.1854.
Để đưa trọng pháo nặng hơn 2 tấn này vào trận địa, không ai tin rằng chỉ bằng sức người và những vật dụng, công cụ hết sức thô sơ.
Chị Hoàng Thị Châm – Thuyết minh viên, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên cho biết: Những vật dụng mà trước đây các chiến sỹ của ta đã sáng tạo để sử dụng trong quá trình kéo pháo như những chiếc guốc gỗ hay tì vai như thế này. Trong quá trình hô hò, kéo pháo khản cổ thì các chiến sỹ của ta đã có sáng kiến đó là sử dụng thân cây tre sau đó tạo ra chiếc mõ tre và cứ sau 3 tiếng gõ cốc, cốc, cốc thì các chiến sỹ của ta lại đồng loạt kéo pháo. Và cũng chính trong hoàn cảnh ấy, nhạc sỹ Hồng Vân đã sáng tác ca khúc Hò kéo pháo – một ca khúc đi cùng năm tháng.
Trong huyền thoại về con đường kéo pháo, tấm gương về người anh hùng Tô Vĩnh Diện vẫn được các cán bộ bảo tàng kể lại cho lớp lớp thế hệ con cháu lắng nghe.
Giờ đây, sau 65 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, con đường kéo pháo và những người lính năm xưa cũng đã trở thành những tượng đài của lòng quyết tâm, sức bền bỉ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, thậm chí là hy sinh để chiến đấu, giành lấy độc lập, tự do cho dân tộc./.