(ANTV) - Sáng nay (03/3), Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức Tọa đàm tham gia ý kiến về dự thảo Luật Cảnh sát cơ động. Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó chủ tịch Quốc hội dự tọa đàm. Thiếu tướng Lê Tấn Tới, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì tọa đàm.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đánh giá: Cảnh sát cơ động là lực lượng có tính chất đặc thù so với các lực lượng khác trong công an nhân dân, với chức năng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang, giải quyết kịp thời các vụ việc phức tạp về an ninh trật tự, trấn áp các loại tội phạm nguy hiểm có sử dụng vũ khí, giải tán các vụ gây rối, biểu tình... nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc. Mặt khác, trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, khu vực tác động ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh trật tự của nước ta... đặt ra yêu cầu cấp thiết phải xây dựng Luật CSCĐ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung góp ý để làm rõ nội hàm các khái niệm như: biện pháp vũ trang; sử dụng biện pháp vũ trang, cho ý kiến về vị trí, chức năng của lực lượng CSCĐ.
Trung tướng PGS.TS Trần Vi Dân, Giám đốc Học viện Chính trị CAND phát biểu: Trong một đạo luật như Luật Cảnh sát cơ động thì việc giải thích thuật ngữ biện pháp vũ trang là rất cần thiết. Vì ở đây chúng ta nói tới biện pháp vũ trang của lực lượng Cảnh sat cơ động. Cũng là biện pháp vũ trang thì mỗi lực lượng khác nhau thì sẽ có cách thức sử dụng khác nhau trên cơ sở phương tiện khí tài con người thì sẽ khác nhau và đạt được các mục tiêu khác nhau, trong một đạo luật chuyên ngành mà chúng ta giải thích là cần thiết.
Đại diện ban soạn thảo dự án Luật, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Tư lệnh Cảnh sát cơ động cũng giải trình trước băn khoăn của một số đại biểu về việc chồng chéo hoạt động của lực lượng Cảnh sát cơ động với các lực lượng khác.
Phát biểu tại Tọa đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần thống nhất nhận thức, đây là dự án luật tổ chức một lực lượng chuyên ngành cụ thể, phạm vi cũng rất cụ thể. Do vậy, phải có giới hạn và không sa vào những vấn đề lớn mà các luật gốc đã quy định; chỉ cụ thể hóa Hiến pháp, pháp luật và những văn bản luật gốc đã quy định. Đề nghị Ủy ban Quốc phòng và An ninh tiếp tục phối hợp với Ban soạn tiếp thu các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; rà soát, chắt lọc, tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý tại Tọa đàm, chỉnh lý dự thảo Luật trước khi trình ra Quốc hội thông qua.