(ANTV) - Đề xuất giao cảng hàng không cho địa phương quản lý: Mở rộng cửa cho đầu tư tư nhân; Hà Nội: “Vùng xanh doanh nghiệp” trong “vùng đỏ”, không đứt gãy sản xuất; Vực dậy ngành dệt may, da giày; Mong giảm tải chương trình học trực tuyến... Là những tin tức nổi bật trên báo ra ngày hôm nay.
Đề xuất giao cảng hàng không cho địa phương quản lý: Mở rộng cửa cho đầu tư tư nhân
Bộ Giao thông vận tải vừa đề xuất phân cấp quản lý các cảng hàng không thành 3 nhóm theo mức độ quan trọng của từng sân bay. Trong đó, nhóm 3 được dự kiến giao về các địa phương quản lý.
Nhóm 3 gồm các cảng hàng không như: Điện Biên, Cát Bi, Vinh, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Cần Thơ. Việc chuyển giao sẽ thông qua chuyển quyền sử dụng đất đai, quyền sở hữu các công trình tại các cảng hàng không, nhằm phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Đề xuất này được kỳ vọng sẽ tạo sự chủ động trong việc xã hội hóa đầu tư, qua đó giảm áp lực về nguồn vốn đầu tư của Nhà nước đối với đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không. Theo các chuyên gia, cùng với việc huy động rộng rãi nguồn vốn đầu tư xã hội hóa thi cần phải công khai, minh bạch đảm bảo lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Hà Nội: “Vùng xanh doanh nghiệp” trong “vùng đỏ”, không đứt gãy sản xuất
Để đảm bảo không bị đứt gãy sản xuất trong bối cảnh dịch Covid 19 đang có diễn biến phức tạp, thời gian qua, tại Hà Nội đã có nhiều doanh nghiệp đăng ký tham gia mô hình “Vùng xanh doanh nghiệp” Thông tin được đăng tải trên báo Đầu tư.
Trên cơ sở “Tổ An toàn COVID” tại doanh nghiệp, từ khi áp dụng Chỉ thị 16, Liên đoàn Lao động quận Hoàng Mai, Hà Nội đã hướng dẫn Công đoàn cơ sở tham mưu chủ doanh nghiệp thực hiện mô hình “Vùng xanh doanh nghiệp”.
Điều ý nghĩa nhất của mô hình này là doanh nghiệp cam kết test COVID-19 cho người lao động hàng tuần. Ngoài ra, các doanh nghiệp đều phải có kế hoạch chia ca sản xuất, thực hiện “1 cung đường 2 điểm đến và tiêm vaccine cho người lao động. Từ một doanh nghiệp, mô hình“Vùng xanh doanh nghiệp” đã được nhân rộng ra ở nhiều doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội.
Theo các chuyên gia, mô hình đã giúp doanh nghiệp rất nhiều trong việc đảm bảo phòng chống dich an toàn, bảo vệ người lao động và không đứt gãy sản xuất.
Vực dậy ngành dệt may, da giày
Hai ngành công nghiệp lớn là dệt may, da giày đang bị gián đoạn chuỗi cung ứng. Giới chuyên gia cho rằng cần tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa để các nhà máy duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất nhằm giữ được chân khách hàng, nối lại chuỗi cung ứng.
Hiện nay hai mối lo mà các doanh nghiệp Việt Nam phải đối diện là cung và cầu. Ở phía cung, nguyên vật liệu khó dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Ở phía cầu, đơn hàng xuất khẩu suy giảm do nhu cầu thế giới giảm vì ảnh hưởng Covid – 19. Các doanh nghiệp đang phải đối mặt với nguy cơ khách hàng quốc tế dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác.
Theo các chuyên gia, bên cạnh việc hỗ trợ, định hướng từ cơ quan quản lý, các doanh nghiệp phải tận dụng sự phục hồi của thị trường Mỹ và châu Âu để đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là phục vụ dịp mua sắm gia tăng cuối năm. Hiện nay, Việt Nam cũng đã ký kết nhiều hiệp định thương mại, cần phải tận dụng triệt để để xuất khẩu.
Mong giảm tải chương trình học trực tuyến
Bước sang tuần thứ 2 của năm học 2021 - 2022, bên cạnh niềm vui năm học mới thì phương pháp dạy và học trực tuyến đã bộc lộ một số bất cập như: thời lượng học còn dài; hệ thống mạng yếu; chất lượng bài giảng chưa lôi cuốn.
Theo ghi nhận của báo Kinh tế và đô thị, mặc dù thời lượng học trực tuyến đã được giảm lược với khối tiểu học. Tuy nhiên vẫn không tránh khỏi hiện tượng học sinh mệt mỏi, chán nản. Chia sẻ với báo Kinh tế và đô thị, nhiều giáo viên cho rằng, hiện chưa có quy định cụ thể đối với bài giảng khi dạy trực tuyến mà chỉ có hướng dẫn chung. Vì vậy, cách thức tổ chức tiết học trực tuyến phụ thuộc nhiều vào sự sáng tạo của giáo viên.
Theo các chuyên gia, để dạy học trực tuyến có chất lượng, cần phải cấu trúc lại chương trình trên cơ sở nội dung chương trình dạy học trực tiếp truyền thống. Ngoài ra, việc tổ chức dạy học trực tuyến nên linh hoạt, không áp dụng quá cứng hay đồng loạt theo kiểu “đồng phục” với các nhà trường và ở các địa phương.