(ANTV) - Tránh bù chéo giá điện, đảm bảo chính sách cho người nghèo; Công nhân thiếu chỗ gửi con; Lấp khoảng trống trong thu thuế thương mại điện tử;... là những tin tức nổi bật trên báo số ra ngày 07/10.
Tránh bù chéo giá điện, đảm bảo chính sách cho người nghèo
Bộ Công Thương vừa hoàn thành dự thảo để xin ý kiến về biểu giá bán lẻ điện mới. Theo biểu giá mới, Bộ Công Thương dự kiến rút xuống còn 5 bậc (rút gọn bậc 1 và 2). Theo đó, giá điện bán lẻ thấp nhất là 1.678 đồng một kWh, cao nhất 3.356 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), thay vì mức 1.549 đồng và 2.701 đồng một kWh đang áp dụng.
Về vấn đề này, báo Lao động đã ghi nhận ý kiến của Cục An toàn kỹ thuật và môi trường, Bộ Công Thương, theo đó, có ý kiến cho rằng, hiện biểu giá điện mới được Bộ Công Thương đề xuất đang lẫn giữa biểu giá điện sinh hoạt với bán lẻ, điều này cần phải được làm rõ lại.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, rất khó để có biểu giá điện làm hài lòng tất cả mọi người. Vấn đề đặt ra là Bộ Công Thương đang ưu tiên cho mục tiêu nào, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đảm bảo quyền lợi của người thu nhập thấp, đa số người sử dụng điện ra sao, để cân đối lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng? Mục tiêu là làm sao khi đưa ra biểu giá bán lẻ, đa số khách hàng chấp nhận, giá điện có tính cạnh tranh để thu hút được nhà đầu tư, đảm bảo sự bền vững trong cơ chế điều hành giá.
Công nhân thiếu chỗ gửi con
Theo thống kê của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện cả nước có khoảng 4,1 triệu công nhân đang làm việc tại 291 khu, cụm công nghiệp. Gia tăng lao động tại các thành phố lớn tạo áp lực lên mạng lưới trường lớp mầm non. Công nhân phần lớn phải mang con đi gửi nhóm trẻ hoặc trường tư vì không có hộ khẩu.
Ghi nhận vấn đề này, báo điện tử VNExpress cho biết, hiện tình trạng thiếu chỗ gửi con đang là một vấn đề nhiều công nhân phản ánh, bởi tại nhiều địa phương tập trung đông người lao động, các khu cụm công nghiệp lớn, quy hoạch và số lượng trường mầm non công lập không đáp ứng đủ nhu cầu gửi trẻ.
Ở một góc độ khác, đại diện nhiều địa phương cho biết, công nhân nhập cư chỉ có giấy tạm trú rất khó xin cho con vào cơ sở công lập vì trường phải ưu tiên cho con của lao động định cư trên địa bàn. Mầm non công lập cũng không phải là lựa chọn hàng đầu của công nhân vì họ thường xuyên tăng ca, trong khi trường chỉ giữ trẻ giờ hành chính. Trường tư thì chi phí cao, lương công nhân lại thấp buộc họ phải gửi con vào nhóm trẻ.
Lấp khoảng trống trong thu thuế thương mại điện tử
Đến nay, cơ quan thuế đã thu được hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trên các nền tảng số, thương mại điện tử. Tuy nhiên, sự bùng nổ của nhiều phương thức giao dịch thương mại điện tử trong thời gian qua đã đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong đó có cơ quan thuế. Ghi nhận của báo Kinh tế và Đô thị.
Đại diện Tổng cục Thuế cho biết, từ ngày 21/3, Tổng cục Thuế đã mở Cổng kê khai thuế điện tử cho nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài để khai thay, nộp thay cho các cá nhân tại Việt Nam có khoản doanh thu phát sinh từ các nhà cung cấp này. Đến nay, đã có 36 nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài đăng ký kê khai và nộp thuế trên cổng thông tin này. Như vậy, sau những khó khăn trong quản lý thuế thương mại điện tử, cơ quan thuế đã bước đầu có những phương pháp khai và thu thuế bước đầu hiệu quả với hình thức kinh doanh mới này.
Tuy nhiên, công tác quản lý thuế thương mại điện tử vẫn đứng trước rất nhiều thách thức. Thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp đang sử dụng các phương thức giao dịch thương mại điện tử để giảm thiểu các khâu trung gian, giảm chi phí và tăng tốc độ lưu thông hàng hóa, đồng thời cũng ngày càng nhiều cá nhân sử dụng các mạng xã hội, các trang web để cung cấp hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng, những vấn đề này đã đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với các cơ quan quản lý Nhà nước trong đó có cơ quan thuế.