(ANTV) - Báo Kinh tế & Đô thị số ra ngày đầu tuần đăng tải bài viết có nhan đề “Chiến dịch tiêm vaccine covid-19 lớn nhất trong lịch sử: Nguyên tắc bình đẳng và công bằng”.
Chiến dịch tiêm vaccine covid-19 lớn nhất trong lịch sử: Nguyên tắc bình đẳng và công bằng
Nội dung bài viết đề cập đến việc, Việt Nam chính thức phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử - tiêm vaccine phòng Covid-19 miễn phí cho tất cả người dân trong độ tuổi trên 18 tuổi từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022. Đây là chiến dịch tiêm chủng quốc gia lớn nhất từ trước tới nay, số lượng tiêm đến hàng triệu mũi, thực hiện trong thời gian ngắn. Và đây cũng là giải pháp cần thiết và quan trọng để phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, việc sử dụng vaccine thời gian qua đã nhận được sự đồng lòng, chia sẻ của nhân dân. Vaccine được phân bổ theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, công khai, minh bạch, linh hoạt, hiệu quả. Nhấn mạnh mục tiêu của chiến lược vaccine là tiêm miễn phí hàng năm cho nhân dân để đạt được sự miễn nhiễm cộng đồng, Thủ tướng nêu rõ để đạt mục tiêu đó nước ta phải thực hiện được việc có đủ vaccine cho nhân dân từ nguồn nhập khẩu và sản xuất trong nước.
TP.HCM tổ chức nhiều địa điểm và xe tiêm vắc xin lưu động
Cũng liên quan đến công tác tiêm vaccine covid-19, Báo Tuổi Trẻ online đăng tải bài viết có nhan đề “TP.HCM tổ chức nhiều địa điểm và xe tiêm vắc xin lưu động”.
Theo đó, Bộ Y tế đã điều tới TP.HCM 30 xe tiêm lưu động đặc chủng có sẵn thùng đựng vắc xin theo đúng quy cách bảo đảm an toàn và chất lượng của vắc xin, bàn tiêm... Các xe này sẽ đi đến từng hẻm, tiêm hết hẻm này thì sang hẻm khác. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người đi tiêm, Bộ Thông tin - truyền thông đã cho ra đời ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" để những người có nhu cầu tiêm đăng ký online, theo dõi phản ứng và quản lý sức khỏe sau tiêm.
Bộ Y tế cho biết thêm, dự kiến trong tháng 7 này sẽ có khoảng 8,7 triệu liều vắc xin về Việt Nam và vắc xin sẽ được ưu tiên dành cho TP.HCM và các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ đang có diễn biến dịch phức tạp và một số địa phương cần duy trì phát triển kinh tế.
Phát hiện nhiều người sử dụng giấy xét nghiệm COVID-19 giả
Ngày 11/7, sau khi tiếp nhận nhiều giấy xét nghiệm COVID-19, do cơ quan công an phát hiện cung cấp, Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng đã kiểm tra và xác định là giả mạo. Thông tin được đăng tải trên báo CAND online.
Tại Hải Phòng, một số người dân, đặc biệt là các lái xe thường xuyên ra vào các tỉnh hiện đang sử dụng kết quả xét nghiệm COVID-19, có ghi Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng cấp. Tuy nhiên qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều trường hợp sử dụng phiếu xét nghiệm giả mạo, được mua thông qua mạng xã hội mà không cần làm các xét nghiệm.
Đại diện Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng cho biết, Quy trình làm giấy xét nghiệm COVID-19 ở Bệnh viện rất chặt chẽ. Tất cả các bước đều có chữ ký của các bác sĩ và nhân viên y tế của bệnh viện. Qua kiểm tra, tất cả các chữ ký và con dấu trên tờ giấy xét nghiệm COVID-19 giả do cơ quan công an phát hiện cung cấp không phải là chữ ký và con dấu của Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng.
Đáng chú ý, trên tất cả những tờ giấy xét nghiệm COVID-19 đều có mã code, chỉ cần quét qua phần mềm thông minh là có thể phát hiện ra giấy xét nghiệm giả hay thật. Theo đó, Bệnh viện Đại học Y Hải Phòng đã báo cáo Bộ Y tế và đề nghị cơ quan công an điều tra làm rõ nguồn gốc của những tờ phiếu xét nghiệm giả.
Giá bất động sản dự báo vẫn tăng, có lo ngại sốt đất ảo trở lại?
Báo Lao Động số ra ngày đầu tuần đăng tải bài viết có nhan đề “Giá bất động sản dự báo vẫn tăng, có lo ngại sốt đất ảo trở lại?”.
Nội dung bài viết đề cập đến việc trên thị trường, nhiều nhà đầu tư gom hàng, với số lượng sản phẩm lớn ngay trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở nhiều địa phương. Thực trạng này đang tiềm ẩn nguy cơ đẩy giá và thiết lập mức giá cao hơn so với giá trị thực, "thao túng" thị trường địa ốc, tạo nên cơn sốt đất cục bộ là điều có thể xảy ra khi dịch được kiểm soát.
Theo cá chuyên gia, nếu cơn sốt đất xảy ra thì nhà đầu tư có thể hưởng lợi, đẩy hàng nhanh, chốt lời sớm nhưng thực tế, các nhà đầu tư đều, khôn ngoan trong bỏ vốn. các chuyên gia ro rằng các địa phương cần thắt chặt khâu làm giá, kiểm soát chặt chẽ hoạt động giao dịch trên thị trường bất động sản, kể từ cơn sốt đất cục bộ vừa qua.
Đây là những kịch bản mà các nhà đầu tư ôm đất cần xem xét và cẩn trọng. Bởi nếu không, bên cạnh trường hợp bị chôn vốn, nhà đầu tư có thể rơi vào tình trạng phá sản trong trường hợp thị trường đi xuống, sản phẩm khó thanh khoản ngay cả khi bán tháo.