(ANTV) - Báo Kinh tế và Đô thị cho biết thông tin từ Bộ Y tế, đến nay, dự kiến sẽ có khoảng 124 triệu liều vaccine từ các nguồn khác nhau được cam kết cung ứng cho Việt Nam cho tới cuối năm 2021.
Dự kiến sẽ Có 124 triệu liều Vaccine CoviD-19: Đối tượng tiêm chủng được mở rộng
Theo thông tin, để bảo đảm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã bổ sung thêm một số đối tượng ưu tiên để phù hợp với tinh hình thực tế. Đối tượng được mở rộng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế.
Ngoài ra còn có các cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch; các chức sắc, chức việc các tôn giáo; người lao động tự do; người có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam; người làm việc trong các cơ quan Ngoại giao, Lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam; người làm việc, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; lực lượng bác sỹ trẻ; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính và các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá.
Tiêm 2 mũi vaccine COVID-19 khác nhau có an toàn?
Báo Lao động thông tin, Bộ Y tế vừa đồng ý triển khai việc tiêm 2 mũi vaccine COVID-19 khác nhau nếu tình trạng thiếu vaccine COVID-19 vẫn tiếp diễn.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới WHO lại khuyến cáo không tiêm 2 loại vaccine COVID-19 khác nhau. Câu hỏi đặt ra là quyết định của Bộ Y tế có đang mâu thuẫn với khuyến cáo của WHO hay không? Việc tiêm 2 loại vaccine COVID-19 có ảnh hưởng đến an toàn và sức khỏe của người dân hay không?
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, khoa Y Đại học New South Wales cho rằng, tình trạng thiếu vaccine lại là một cơ hội cho Việt Nam. Nếu tôi có một lời khuyên cho nhà chức trách, tôi sẽ nói hãy nắm lấy cơ hội này để làm nghiên cứu so sánh hiệu quả của trộn vaccine. Việt Nam ang tiêm nhiều loại vaccine, và đây là cơ hội vàng để làm một nghiên cứu quan sát.
Gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng: Triển khai ngay trong tuần này
Theo thông tin trên báo Tuổi trẻ, Bộ trưởng Bộ LD-TB&XH vừa có chỉ đạo triển khai gấp gói hộ trợ 26.000 tỷ đồng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Theo thông tin, Chính phủ đã có Nghị quyết 68 triển khai gói 26.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Bộ trưởng Bộ Lao động – thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh “Người dân đang rất khó khăn, đang từng ngày mong chờ được nhận hỗ trợ theo tinh thần nghị quyết 68 của Chính phủ. Chậm nhất trong tuần này, các địa phương phải triển khai ngay. Triển khai chậm là có lỗi, trục lợi là có tội với dân”.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, cả nước có khoảng 13 triệu lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Trong đó, có trên 557.000 người bị mất việc, 4,1 triệu người phải tạm nghỉ/ tạm ngừng việc, 4,3 triệu người bị cắt giảm giờ làm hoặc buộc phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên... Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 này đã, đang xâm nhập và tác động vào các khu công nghiệp và khu chế xuất, làm nghiêm trọng hơn những tác động tiêu cực đến người lao động.
Lại bùng nổ “hỗ trợ vay tiêu dùng” lừa người lao động
Cũng trên báo Lao động thông tin, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, người lao động mất việc, cần vay tiền để trang trải cuộc sống trong mùa dịch. Tuy nhiên, để vay tiêu dùng từ các công ty tài chính cũng không phải dễ với đủ các chi phí, còn nếu không hiểu biết thì sẵn sàng bị sập bẫy các ứng dụng cho vay với lãi suất “cắt cổ”.
Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, với những người lao động thời vụ thì đây là thời điểm khó khăn vì không có công iệc đồng nghĩa là không có hu nhập. Để trang trải chi phí cuộc sống, nhiều người không am hiểu kiến thức đã tiếp cận các thông tin cho vay tiêu dùng qua app thông qua zalo hay mạng xã hội.
Lợi dụng tình trang này nhiều tổ chức, cá nhân chưa được cấp phép nhưng đã mạo danh các tổ chức tài chính, lợi dụng tính chất nhanh chóng - tiện lợi khi cho vay tiền qua app đã lừa người dân đóng các khoản phí để được vay tiền. Nhiều Ngân hàng cảnh báo việc lừa đảo, làm hồ sơ giả mạo được mô phỏng các điều khoản theo mẫu hợp đồng vay, hay mạo danh ứng dụng vay tiền của ngân hàng để tiếp cận người cần vay tiền và lừa đảo.