(ANTV) - Các dự án vắc xin COVID-19 nội đều đã mất cơ hội cung cấp cho 2 mũi tiêm cơ bản, giờ sẽ chuyển đổi thử nghiệm tiêm mũi bổ sung. Riêng vắc xin Nano Covax hoàn thành tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, Bộ Y tế cho biết sắp họp xem xét cấp phép. Thông tin được đăng tải trên báo Tuổi Trẻ Online.
Tái khởi động xem xét cấp phép cho vắc xin COVID-19 nội
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online , lãnh đạo Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế cho biết phiên họp để xem xét hồ sơ Vắc Xin Nano Covax sẽ được tổ chức trong khoảng 1 tuần tới đây, nhằm xem xét cấp phép cho vắc xin này. Nano Covax là vắc xin COVID-19 nội địa có tiến độ nhanh nhất trong các vắc xin phát triển và nhận chuyển giao công nghệ tại Việt Nam. Vắc xin này đã thử nghiệm lâm sàng ở 3 giai đoạn trên khoảng 14.000 người đã tiêm, Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh quốc gia đã thông qua báo cáo đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 hồi tháng 9 vừa qua.
Tuy nhiên do các vướng mắc về chính sách hiện hành, vắc xin này đã chậm chân, không kịp ra mắt để sử dụng cho 2 mũi tiêm cơ bản như mục tiêu ban đầu. Ngoài Nano Covax, 1 vắc xin nội nữa là Covivac cũng bị chậm, nhà sản xuất vừa cho biết sẽ tạm ngưng thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 do không còn người chưa tiêm ngừa để triển khai tiêm thử nghiệm.
Chính phủ đồng ý thí điểm đường cao tốc chỉ có thu phí không dừng
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo các Bộ: Giao thông Vận tải (GTVT), Công an, Thông tin và Truyền thông; UBND các tỉnh, thành phố; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam về triển khai hệ thống thu phí tự động không dừng. Thông tin được đăng tải trên báo CAND Online.
Văn bản nêu rõ, để phát huy hiệu quả, lợi ích thiết thực trong việc sử dụng dịch vụ thu phí điện tử không dừng theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT và các cơ quan liên quan phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần ưu tiên giải quyết. Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu lựa chọn một số tuyến cao tốc tại mỗi vùng miền để triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng. Theo đó, chỉ phục vụ phương tiện có đủ điều kiện tham gia dịch vụ thu phí điện tử không dừng.
(Slide2 CAND online) Chính phủ cũng yêu cầu Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo nhà đầu tư các dự án BOT, các nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng khẩn trương lắp đặt thiết bị thu phí điện tử không dừng đối với các làn thu phí còn lại; đảm bảo mỗi trạm thu phí chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp theo đúng quy định tại Quyết định 19/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Việc này phải hoàn thành trong quý I/2022.
Tăng cường kiểm soát hành vi đưa tin sai lệch về sản phẩm bán hàng đa cấp
Nhằm ngăn chặn tình trạng đưa thông tin sai lệch về sản phẩm trong bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương vừa trình Chính phủ xem xét thông qua dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP ngày 12/3/2018 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, trong đó bổ sung một số quy định siết chặt hơn lĩnh vực này. Thông tin được đăng tải trên báo Lao Động số ra ngày cuối tuần.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương đề xuấtđiều chỉnh: Bổ sung quy định đối với trường hợp tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo bán hàng đa cấp theo hình thức trực tuyến (trong đó bao gồm việc giới thiệu thông tin về sản phẩm bán hàng đa cấp) thì doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải thông báo đến Sở Công Thương địa phương (trong trường hợp có sự tham gia của người tham gia bán hàng đa cấp tại một địa phương đó) hoặc Sở Công Thương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính (trong trường hợp có sự tham gia của người tham gia bán hàng đa cấp tại nhiều địa phương). Quy định này nhằm tăng cường công tác quản lý, giám sát về nội dung các hội nghị, hội thảo, đào tạo trong hoạt động bán hàng đa cấp hiện nay.
Giá xăng dầu năm 2022: Khó đoán định
Báo Kinh tế & Đô thị số ra ngày cuối tuần đăng tải bài viết có nhan đề “Giá xăng dầu năm 2022: Khó đoán định”
Nội dung bài viết đề cập đến việc Giá dầu thô trên thị trường thế giới trong tháng 11/2021 đã có thời điểm cán mức 84 - 85 USD/thùng khiến cho giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã tiến sát ngưỡng kỷ lục, tác động tiêu cực đến việc kiểm soát giá. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam là quốc gia vừa có hoạt động khai thác dầu thô, vừa phải nhập khẩu xăng dầu thành phẩm về sử dụng nên việc giá xăng dầu thế giới tăng Việt Nam gặp nhiều bất lợi.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, hiện tại, giá dầu trên thị trường thế giới xung quanh mức 84 – 85 USD/thùng, và nếu dự báo giá dầu lên 100 USD thì trong thời gian tới mặt hàng “vàng đen” vẫn tiếp tục đà lên dốc. Trong trường hợp này, để kiểm soát giá xăng dầu trong nước, tạo điều kiện để kiểm soát lạm phát, giải pháp duy nhất lúc này là giảm các loại thuế, phí đang đánh trực tiếp vào xăng dầu.